Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:22 (GMT +7)
Qua miền đất lành
Thứ 3, 08/03/2022 | 12:33:17 [GMT +7] A A
“Ngay sau khi Lộc Ninh giải phóng năm 1972, tháng 5-1973, Đồn điền cao su Lộc Ninh chính thức hoạt động trở lại với tên gọi mới Nông trường quốc doanh cao su Lộc Ninh do Ban cao su Nam Bộ tiếp quản. Lương công nhân mỗi người lúc bấy giờ được 65 đồng chỉ đủ mua 1kg gạo. Tuy vật chất không đủ bù đắp ý nghĩa tiền lương nhưng với tinh thần cống hiến để góp phần giải phóng miền Nam, anh chị em công nhân làm việc hồ hởi, phấn khởi lắm. Nếu nói một cách cụ thể, người Bình Trị Thiên bảo rằng: Không đâu sướng bằng Lộc Ninh, không đâu dễ lập nghiệp bằng Lộc Ninh. Bởi từ không có gì, họ có việc làm, có nhà, có đất, có xe, vật dụng sinh hoạt đầy đủ phục vụ nhu cầu đời sống hiện đại. Như vậy đúng quá rồi còn gì” - nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh Đặng Văn Chiêu nhận định.
Vùng đất của di tích
Trong tổng 24 di tích cấp tỉnh được xếp hạng thì huyện Lộc Ninh chiếm đến một nửa, trong đó có 12 di tích từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia đặc biệt. Riêng di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt có đến 7 di tích thuộc thể loại lịch sử và khảo cổ. Xét trên phương diện từ quy mô đến loại hình, hệ thống các di tích trên địa bàn Lộc Ninh đều dẫn đầu so với các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh.
Trước hết phải kể đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (di tích Tà Thiết) tọa lạc tại sóc Tà Thiết, xã Lộc Thành với quy mô 3.500 ha. Nơi đây là tiền thân của Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, giải phóng huyện Lộc Ninh vào ngày 7-4-1972. Lộc Ninh đã trở thành thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lãnh đạo quân và dân miền Nam đánh đổ chế độ Mỹ - ngụy, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 2018, di tích Tà Thiết được đầu tư tôn tạo, bổ sung các hạng mục công trình với tổng vốn đầu tư 336 tỷ đồng, là địa chỉ đỏ của du khách cả nước.
Di tích quốc gia Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 tại xã Lộc Tấn là loại hình di tích khảo cổ hết sức độc đáo ở Việt Nam. Qua những hiện vật khảo cổ cho thấy, di tích này cũng như cả hệ thống di tích thành đất hình tròn trên địa bàn tỉnh hé lộ mảng văn hóa cổ hết sức đặc biệt trong dòng chảy văn hóa ở khu vực Đông Nam Á thời tiền sử. Di tích có đường kính 365m còn khá nguyên vẹn, được phát hiện năm 1999 và khai quật năm 2000. Thông qua các hiện vật bằng đá, gốm và nhiều công cụ lao động như: rìu, đục, bàn mài… trong quá trình khai quật cho thấy Thành đất hình tròn Lộc Tấn 2 có niên đại cách đây khoảng 2.500 đến 4.000 năm.
Trong số 5 di tích cấp tỉnh hết sức độc đáo trên địa bàn huyện Lộc Ninh không thể không nhắc đến di tích Bệnh viện Lộc Ninh (Hospital de Loc Ninh) được xây dựng năm 1936. Đây được xem là công trình nghệ thuật kiến trúc mái vòm độc đáo trong thời kỳ Pháp thuộc duy nhất của tỉnh còn tồn tại. Bổ trợ cho di tích bệnh viện còn có hệ thống nhà hát, nhà thờ, nhà ga xe lửa, nhà máy chế biến cao su mủ tờ của Pháp vẫn đang bền vững với thời gian, in đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử của một vùng đất xưa và nay cần được tiếp tục nghiên cứu và khám phá.
Đất lành chim đậu
Nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh Đặng Văn Chiêu năm nay 95 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông có mặt từ ngày đầu tiếp quản Nông trường quốc doanh cao su Lộc Ninh. Ông hồi tưởng: Tháng 5-1973, giữa lúc các tỉnh, thành miền Nam đang còn lửa đạn chiến tranh, Nhà máy chế biến cao su Lộc Ninh lúc bấy giờ do Ban cao su Nam Bộ quản lý vẫn hoạt động bình thường. Đồng lương công nhân tuy thấp nhưng với tinh thần cống hiến cho cách mạng, đội ngũ công nhân làm việc rất phấn khởi. Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, Lộc Ninh là nơi để mọi người con từ Nam chí Bắc về đây sinh cơ lập nghiệp.
Anh Lê Thành Thái, công dân tỉnh Long An từng sống và làm việc trong Khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh đã chọn ấp 4, xã Lộc Hưng lập nghiệp bằng nghề trồng dưa lưới. Với anh, Lộc Ninh không chỉ là vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời mà còn có đội ngũ cán bộ tận tâm, hết mình vì dân phục vụ. Ngay trong Khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP. Hồ Chí Minh được đầu tư khá bài bản nhưng năng suất dưa lưới chỉ đạt 2,5 tấn/sào. Còn tại vùng đất Lộc Hưng, năng suất đạt từ 3,5-4 tấn/sào. Không chỉ vậy, những nông trại nhỏ như anh được chính quyền địa phương hết mực quan tâm, đưa điện về đến vườn với mức giá sản xuất. Đây cũng là lý do để anh chọn Lộc Ninh lập nghiệp.
Trong năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trên địa bàn huyện Lộc Ninh có đến 9 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) hạng 4 sao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện ước thực hiện 526.926 triệu đồng, đạt 124% so dự toán UBND tỉnh giao; tổng thu ngân sách địa phương ước thực hiện 1.224,834 triệu đồng, đạt 123% dự toán UBND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách ước thực hiện 1.131,297 triệu đồng, đạt 126% so với dự toán UBND tỉnh giao. Tổng thu nhập bình quân của huyện Lộc Ninh hiện đã vượt trên 60 triệu đồng/người/năm. Vượt qua khó khăn trong đại dịch, trong năm 2021, các xã Lộc Quang và Lộc Khánh vẫn hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 12 xã.
Chắp cánh cho đất lành
Di tích là di sản, là “tiếng vang” của quá khứ. Nhìn vào một di tích, người ta có thể nhận ra trình độ phát triển trong quá khứ của một dân tộc, cộng đồng dân cư, tìm thấy những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần có thể cả hàng trăm năm, triệu năm. Do đó, việc giữ gìn những di tích hữu hình càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Hữu Hiến đánh giá, phần lớn các di tích của Lộc Ninh chưa phát huy hết giá trị vốn có. “Để phát huy hết thế mạnh tiềm năng này, Lộc Ninh nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung cần phải có đề án, lộ trình trùng tu, bảo tồn một cách bài bản. Trước hết là đầu tư nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới. Tiếp đến là nguồn vốn trùng tu, tôn tạo di tích phải đủ mạnh, có tầm nhìn chiến lược dài hạn để đảm bảo các giá trị danh thắng, lịch sử, văn hóa của di tích” - ông Hiến đề xuất.
Để hiểu hơn về giá trị của di tích, du khách không chỉ đến tham quan, đứng nhìn mà còn có nhu cầu trải nghiệm, sống chung, trở về với quá khứ của di tích trong bối cảnh của thực tại. Do vậy, cần phải khai thác di tích ở mọi góc nhìn từ quá khứ đến hiện tại. Niềm tự hào của cha ông hoàn toàn có thể được trao gửi lại thế hệ hôm nay khi du khách được đắm mình trong không gian nghệ thuật của những di tích danh thắng, văn hóa, lịch sử hay trải nghiệm cùng với đời sống của công nhân cạo mủ cao su thời kỳ Pháp thuộc thông qua hệ thống di tích như bệnh viện, nhà ga xe lửa, Nhà máy chế biến mủ tờ Lộc Ninh.
Theo Đông Kiểm/ Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()