Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:59 (GMT +7)
Quá tải học sinh tiểu học
Chủ nhật, 11/08/2013 | 07:21:18 [GMT +7] A A
Theo số liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học tới này số học sinh cấp Tiểu học ở hầu hết các địa phương, đặc biệt là các khu đô thị, tăng đột biến; như thành phố Hạ Long tăng 1.719 học sinh, thành phố Cẩm Phả tăng 1.373 học sinh, thành phố Uông Bí tăng 601 học sinh v.v.. Số học sinh tăng kéo theo hàng loạt khó khăn cần giải quyết về cơ sở vật chất như phòng học, bàn ghế, sách giáo khoa v.v.. Chưa nói tới việc đội ngũ giáo viên cũng phải tăng cường...
Tại một trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở thành phố Hạ Long, Ban giám hiệu nhà trường đã từ chối không nhận đơn xin vào học của một học sinh lớp hai chỉ vì bố mẹ em học sinh này đang công tác tại một doanh nghiệp trên địa bàn nhưng không có hộ khẩu thường trú (mà chỉ đăng ký tạm trú)... “- Hiện tại, chỉ riêng số con em của các gia đình hộ khẩu thường trú trên địa bàn có nhu cầu vào học Tiểu học đã quá tải rồi, làm sao chúng tôi có thể nhận được cả những đối tượng khác nữa!” - Cô giáo hiệu trưởng đưa ra lý do như vậy!
Có thể, với chỉ một trường hợp cá biệt, việc từ chối không nhận em học sinh lớp hai ở trường Tiểu học và Trung học cơ sở tại thành phố Hạ Long này là hơi cứng nhắc, máy móc. Nhưng nếu không phải chỉ một mà là nhiều trường hợp có hoàn cảnh như em học sinh ấy cùng xin vào học tại một trường thì sao? Trong điều kiện phòng ốc thiếu thốn, sĩ số học sinh ở các lớp đều đã cao, thậm chí một số lớp đã vượt quá quy định cho phép, nhà trường không thể “nhồi nhét” học sinh được! Nhưng nếu vậy, một vấn đề đặt ra là liệu em học sinh này sẽ học ở đâu? Bố mẹ em tuy chưa có hộ khẩu thường trú nhưng hiện tại đang làm việc ổn định tại địa bàn này thì không lẽ lại đi xin cho con vào học ở một địa bàn khác? (Mà có xin, liệu có được chấp nhận không khi cũng không có hộ khẩu thường trú, thậm chí đến tạm trú cũng không có?). Rõ ràng đây là một sự bất cập mà nếu không giải quyết thấu đáo dễ dẫn đến hậu quả phức tạp. Bởi dù vì bất cứ lý do gì thì về mặt nguyên tắc, cũng không thể để trẻ em không được đến trường...
Từ thực tế ấy, lại nghĩ đến việc chuẩn bị đón trẻ vào lớp một ở các trường Tiểu học hiện nay. Chúng ta đều biết, năm học 2013-2014 số học sinh vào lớp một tăng đột biến có một nguyên nhân không mấy bất ngờ; đó là do tỷ số trẻ sinh năm 2007 (nghĩa là năm nay đến tuổi vào lớp một) cao hơn mức bình thường (bởi năm 2007 là năm Đinh Hợi, năm mà theo quan niệm của người Việt là “năm đẹp”, năm “heo vàng”, nên tâm lý số đông các cặp vợ chồng muốn sinh con vào năm này...). Vậy tại sao chúng ta không dự liệu điều đó từ trước? Thêm nữa, trong điều kiện thực tế hiện nay, việc đăng ký hộ khẩu thường trú một nơi nhưng làm việc ở một nơi khác (chỉ đăng ký tạm trú) là chuyện khá phổ biến. Thế nhưng trong quá trình tiến hành phổ cập giáo dục, điều này lại rất khó xác định; bởi mỗi năm chỉ điều tra phổ cập một lần vào đầu năm học. Vậy nên với những trẻ theo bố mẹ đến địa bàn sau đợt phổ cập thì không thể kiểm soát được. Từ đó dẫn đến hiện tượng như với em học sinh tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở thành phố Hạ Long đã nói ở trên cũng không có gì lạ. Không lạ nhưng không dễ giải quyết! Đặt giả thiết, nếu Ban giám hiệu nhà trường một mực kiên quyết từ chối, không nhận em học sinh này vào học tại trường thì chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố Hạ Long sẽ giải quyết như thế nào khi mà lý do nhà trường đưa ra không phải không có cơ sở thực tế! Nhưng lại như nói ở trên, về mặt nguyên tắc, không thể vì bất cứ lý do gì để trẻ em không được đến trường...
Đây là một trường hợp cá biệt và trên thực tế cũng chưa gây ồn ĩ... Thế nhưng từ chuyện cá biệt này lại đặt ra nhiều vấn đề mà ngành Giáo dục cần quan tâm; nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng “cái sẩy nẩy cái ung”...
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()