Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:03 (GMT +7)
Quá trình hình thành đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh
Chủ nhật, 02/07/2023 | 11:39:50 [GMT +7] A A
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm khu mỏ Quảng Ninh (1883), các tư bản Pháp nhanh chóng bắt tay vào khai thác các mỏ than. Quá trình khai thác tài nguyên than đã dẫn đến sự ra đời của đội ngũ công nhân mỏ và ngày càng lớn mạnh nhanh chóng.
Trước đó, các khu mỏ than ở Quảng Ninh do người Thanh (Trung Quốc) khai thác, hoặc chủ mỏ là người Việt nhưng lực lượng lao động trình độ, phương thức sản xuất còn sơ khai, tổ chức khai thác còn mang tính thủ công là chính. Để khai thác than ở khu mỏ, cùng với đầu tư máy móc, thiết bị, làm đường giao thông, bến rót than, các chủ mỏ Pháp ráo riết mộ phu tại các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra duyên hải, đồng bằng Bắc Bộ. Đối tượng phu mỏ chủ yếu là nông dân.
Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3 năm 1984 đăng bài “Văn tự bán mỏ Hòn Gấc tỉnh Quảng Yên cũ của triều đình Huế cho tư bản Pháp” trích các tài liệu niên giám thống kê Đông Dương, tạp chí Kinh tế Đông Dương và báo cáo của Sở mỏ Đông Dương từ năm 1890-1945 cho thấy năm 1911, số lượng công nhân ngành than là 7.075 người, toàn ngành mỏ là 12.000 người, 5 năm sau, hai con số trên tăng lên 9.200 người và 16.000 người. Cao nhất là năm 1928, số công nhân ngành than đạt 41.500 người và toàn ngành mỏ là 54.000 người. Về sản lượng, nếu như năm 1890, các chủ mỏ Pháp mới khai thác được 3.000 tấn than thì năm 1940, sản lượng đạt 2,5 triệu tấn - cao nhất trong khoảng thời gian trên.
Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hầu hết những công nhân mỏ là nông dân, một số ít là thợ thủ công. Giặc Pháp tàn phá quê hương, cướp đoạt ruộng đất, khiến nhiều gia đình sống cuộc đời tối tăm, khổ cực. Bởi vậy, họ sục sôi căm thù quân xâm lược và đó là động lực mạnh mẽ của tinh thần đấu tranh yêu nước luôn thường trực trong họ.
Những phu mỏ được tuyển từ nhiều miền quê ra khu mỏ, họ có chung những đặc điểm đó là có cùng nguồn gốc xuất thân, ra mỏ làm thuê lúc tình cảnh quẫn bách, thiên tai mất mùa. Bên cạnh đại bộ phận là người Kinh còn có một số dân tộc thiểu số Tày, Sán Dìu, Hoa… gốc gác dân địa phương, sống lâu đời ở mỏ. Chủ mỏ Pháp chiếm mỏ, cắm đất nhượng địa khiến họ trở thành công nhân trong các công ty mỏ của Pháp.
Một đặc điểm khác của công nhân mỏ Quảng Ninh khi đó là đại bộ phận không có kỹ thuật. Đó là do chính sách khai thác của chủ mỏ Pháp ở khu mỏ là bóc lột và nô dịch, không đào tạo họ thành người có nghề nghiệp. Từ sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, phương tiện kỹ thuật và công nhân kỹ thuật mới tăng dần. Họ là thợ lái tàu, lái cần trục, sửa chữa cơ khí, phát điện. Tuy nhiên, con số này vẫn là nhỏ bé so với toàn bộ công nhân mỏ.
Nhìn chung, công nhân mỏ Quảng Ninh khi đó, dù là công nhân kỹ thuật hay công nhân thường thì đều có chung số phận là bị chủ mỏ thực dân và tay sai của chúng bóc lột tàn nhẫn, điều kiện sống vô cùng khắc khổ, quyền sống, nhân phẩm bị trà đạp, rẻ rúng. Tuy vậy, với số lượng hàng vạn công nhân trong một khu mỏ từ Đông Triều đến Hòn Gai, Cẩm Phả, Mông Dương, Kế Bào khi đó là không lớn nhưng giai cấp công nhân Việt Nam nói chung, công nhân mỏ Quảng Ninh nói riêng mang những đặc điểm lịch sử xã hội đặc thù khiến cho nó có sức mạnh vượt xa số lượng.
Thực tế, từ năm 1929 trở đi (lúc này toàn ngành than có 38.400 công nhân), với đội ngũ công nhân đã trưởng thành, khu mỏ Quảng Ninh đã trở thành một cơ sở vững vàng để tiếp thụ chủ nghĩa Mác- Lênin, tạo tiền đề cho việc hình thành 4 chi bộ cộng sản đầu tiên vào cuối năm 1929, đầu năm 1930.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()