Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:00 (GMT +7)
Quan chức Iran: Làm giàu urani ở mức 20% không phải vấn đề mới
Thứ 3, 12/07/2022 | 08:50:39 [GMT +7] A A
AEOI buộc phải kích hoạt một số máy ly tâm để đạt công suất làm giàu tới 190.000 SWU theo đạo luật chiến lược được Quốc hội Iran thông qua tháng 12/2020 nhằm phản ứng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI), ông Behrouz Kamalvandi ngày 11/7 cho hay việc làm giàu urani ở mức 20% bằng các máy ly tâm IR-6 không phải là vấn đề mới, đồng thời nhấn mạnh Tehran trước đó đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề này.
Theo hãng thông tấn ISNA, phát biểu của ông Kamalvandi là phản ứng trước bài báo của Reuters hôm 9/7 về việc Iran làm giàu urani ở mức 20%. Ông Kamalvandi lưu ý rằng AEOI buộc phải kích hoạt một số máy ly tâm để đạt công suất làm giàu tới 190.000 SWU theo đạo luật chiến lược được Quốc hội Iran thông qua tháng 12/2020 nhằm phản ứng trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Quan chức Iran nhấn mạnh Tehran sẽ đảo ngược tất cả các biện pháp tạm thời và tuân thủ nghĩa vụ ngay sau khi các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân JCPOA trở lại thực hiện cam kết của mình.
Trước đó, truyền hình nhà nước Iran đưa tin ngày 10/7, Iran thông báo đã bắt đầu làm giàu urani tới mức 20% sử dụng các máy ly tâm tiên tiến tại nhà máy hạt nhân ngầm Fordo.
Phía Iran đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về diễn biến mới này từ cách đây 2 tuần.
IAEA cho biết trong ngày 9/7, cơ quan này đã xác minh được thông tin Iran sử dụng hệ thống cho phép chuyển đổi nhanh chóng và dễ dàng giữa các mức làm giàu urani.
Trong báo cáo gửi các nước thành viên, Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi nêu rõ hệ thống đã cho phép Iran bơm khí được làm giàu với 5% độ tinh khiết vào các máy ly tâm IR-6 nhằm sản xuất urani với độ làm giàu lên tới 20% mức tinh khiết.
Trong báo cáo đưa ra vào tháng trước, IAEA khẳng định Iran có 43kg urani được làm giàu tới 60%. Phía Iran luôn khẳng định chiến lược của nước này về phát triển hạt nhân hoàn toàn vì mục đích dân sự, không phải để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Năm 2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, dẫn đến việc Tehran dần từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận.
Tiến trình đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran đang rơi vào bế tắc từ tháng 3/2022 do Iran và Mỹ có nhiều quan điểm khác biệt.
Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó việc yêu cầu Washington dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt liên quan thỏa thuận này, đồng thời đưa Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington từ chối các yêu cầu của Tehran./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()