Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 07/09/2024 18:43 (GMT +7)
Quan Lạn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử
Chủ nhật, 07/02/2021 | 16:58:33 [GMT +7] A A
Xã Quan Lạn (Vân Đồn) ngoài các bãi biển đẹp còn có nhiều di tích lịch sử văn hoá là những tài nguyên quý để phát triển ngành công nghiệp không khói.
Năm 2020, xã Quan Lạn đã xây dựng được Ban du lịch sinh thái cộng đồng gồm 26 thành viên. Ban đã xây dựng được 2 nội dung của hành trình khám phá gồm: Tìm hiểu văn hóa lịch sử của đảo Quan Lạn và một ngày làm ngư dân.
Với nội dung Tìm hiểu văn hóa, lịch sử đảo Quan Lạn, hướng tới cho du khách tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương qua tham quan các đình, chùa, miếu, nghè và khách được trải nghiệm chèo thuyền dưới dòng sông Mang lịch sử. Khu vực sông Mang ở Quan Lạn hàng năm có Lễ hội đình Quan Lạn hay Lễ hội truyền thống Vân Đồn vào tháng 8 (ngày 18/6 âm lịch) tưởng nhớ đến chiến công của quân và dân nhà Trần đã đánh tan đoàn thuyền lương của quân xâm lược Nguyên Mông do Trương Văn Hổ chỉ huy trên sông Mang vào thế kỷ 13. Lễ hội Đình Quan Lạn đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 4587/QĐ-BVHTT&DL từ năm 2019.
Đình Quan Lạn vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ |
Trải nghiệm tìm hiểu văn hóa lịch sử đảo Quan Lạn, du khách được đi thăm hệ thống đình, chùa, miếu nghè Quan Lạn được công nhận là di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1990. Nổi bật nhất ở đây là đình Quan Lạn được xây dựng vào những năm 1890-1900 vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cổ. Đình còn giữ được 18 sắc phong từ đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) đến đời vua Bảo Đại. Đình Quan Lạn là nơi thờ thần hoàng làng, các vị tiên công quai đê lập ấp dựng làng, sau đó phối thờ tướng Trần Khánh Dư, người có công lớn trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông của nhân dân ta thế kỷ 13.
Chùa Quan Lạn nằm kế bên thờ phật và bà chúa Liễu Hạnh và miếu Đức Ông, nghè Quan Lạn thờ 3 anh em họ Phạm gồm Phạm Công Chính, Phạm Qúy Công, Phạm Thuần Dụng. Theo bia đá ghi khắc tại đây thì ba vị tướng này là người Quan Lạn đã có công lớn trong chiến thắng Vân Đồn năm 1288.
Cách hệ thống đình chùa Quan Lạn khoảng 1,5km là đền thờ Trần Khánh Dư. Năm 2010, ngôi đền này đã được trùng tu tôn tạo lại, là điểm di tích lịch sử nằm trong cụm di tích quốc gia xã Quan Lạn.
Ngôi nhà cổ hơn trăm tuổi ở thôn Thái Hòa, xã Quan Lạn. |
Trong chuỗi trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, lịch sử đảo Quan Lạn, Ban du lịch sinh thái cộng đồng còn hướng đến khai thác một ngôi nhà cổ đã có niên đại hơn trăm năm nay nằm ở thôn Thái Hòa. Chủ ngôi nhà là cụ bà đã 93 tuổi tên là Vũ Thị Dược. Gia đình cụ Dược có nghề làm nước mắm gia truyền từ hàng trăm năm nay suốt từ đời ông cha để lại. Theo anh Hoàng Văn Khương, công chức văn hóa- xã hội xã Quan Lạn thì chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là một vị chánh tổng và thời kỳ này chỉ có những người có quyền, có thế lực mới có đủ tiền làm được những ngôi nhà như thế, vì thời đó Quan Lạn người dân còn rất nghèo.
Ngôi nhà mang dáng dấp kiến trúc Châu Âu mà người Pháp mang sang ta khi họ sang đô hộ. Nổi bật đằng trước nhà với hàng cột các đường cong uốn lượn phía trên, nét đẹp cuốn hút kiến trúc đặc trưng của thời kỳ Phục Hưng của Châu Âu. Thế nhưng phía trên cùng lại kiến trúc theo lối những ngôi nhà cổ của Việt Nam, chứng tỏ chủ nhân vừa có hướng theo Tây phương nhưng lại vẫn cố giữ nét cổ của dân tộc. Bên trong ngôi nhà có 4 cột đỡ bằng gỗ rất lớn.
Anh Khương cho hay, xã Quan Lạn đã có văn bản trình cấp trên để có hướng giữ lại ngôi nhà nhằm bảo tồn và hướng phát triển du lịch. Qua đó xã sẽ sưu tầm các hiện vật của chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà, mà con cháu họ đã chuyển vào sinh sống ở đảo Cái Bầu có thể còn giữ, để trưng bày giới thiệu với du khách. Thế nhưng trong năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên mọi việc còn dở dang. Còn về phía xã vẫn cố gắng để giữ lại ngôi nhà.
Với hướng du lịch tìm hiểu văn hóa và lịch sử địa phương, Quan Lạn không chỉ thu hút du khách mà còn giữ lại được nhiều kiến trúc cổ mang tính lịch sử.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()