Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:09 (GMT +7)
Quản lý chặt chẽ giá thuốc, làm cơ sở pháp lý tổ chức đấu thầu
Thứ 5, 29/08/2024 | 18:37:46 [GMT +7] A A
Chiều 29/8, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Quản lý chặt chẽ giá thuốc
Góp ý về vấn đề quản lý giá thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho rằng, "đây là một vấn đề rất quan trọng". Theo đó, kê khai giá thuốc là một cơ sở pháp lý để tổ chức đấu thầu thuốc, do đó, vấn đề về quản lý giá thuốc luôn luôn là một vấn đề nóng, nhận được rất nhiều sự quan tâm.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc. Cơ sở sản xuất thuốc phải xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường. Các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này. Như vậy, chúng ta vẫn quy định cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất thuốc xác định một giá bán buôn nhưng các cơ sở khác không được bán cao hơn giá này.
Cho rằng chưa có quy định về giá bán lẻ, trong khi thực hiện nghiêm kê khai giá bán lẻ mà không có quy định về giá thặng dư với giá bán lẻ, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng sẽ gây ra tình trạng độc quyền trong thị trường thuốc hoặc rất khó khăn cho những nhà thuốc không phải là cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc.
"Việc quy định giá bán buôn thuốc dự kiến, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến cũng dẫn đến việc kê khai giá của các cơ sở bán buôn thuốc không có nhiều ý nghĩa nữa bởi quy định kê khai giá không được cao hơn giá bán buôn đã công bố. Như vậy, nội dung khi tổ chức thực hiện sẽ khó khăn", đại biểu Nhị Hà nêu.
Về kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho biết, nội dung này ban soạn thảo đã chỉnh sửa rất nhiều và nổi lên 2 vấn đề chính. Đó là nếu bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử sẽ thực hiện danh mục thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, trong dự thảo quy định một hình thức nữa, đó là bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, tức là bán cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, các thuốc quản lý đặc biệt và nguyên liệu làm thuốc.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc triển khai hình thức này sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn, bởi vì nếu kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử khó phân biệt được hình thức bán buôn hay bán lẻ. "Theo quy định, việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, bán lẻ thuốc là bán đến tay người tiêu dùng. Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc cần phải chứng minh được bán cho ai, một nhà thuốc hoặc một công ty dược", đại biểu Nhị Hà nêu.
Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, việc kê đơn phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử...; đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh. Đây chính là thương mại điện tử.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong Ban soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện: Thuốc phải do một nhà thuốc có uy tín, được cho phép mới cung cấp thuốc; người giao hàng là người có đăng ký và do nhà thuốc đó có danh sách quản lý.
"Hai điều kiện này rất quan trọng. Nếu quy định như vậy sẽ thực hiện được. Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến người bệnh là việc không ngăn chặn được, sớm muộn cũng xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ", đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Cảm ơn ý kiến phát biểu trách nhiệm và xác thực của các đại biểu Quốc hội tham gia đối với dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ tinh thần tiếp thu nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo. "Đây là một luật rất quan trọng đối với ngành Y tế, khi được ban hành sẽ đi vào cuộc sống. Vì vậy, Bộ Y tế tiếp thu tất cả các ý kiến", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã được các đại biểu Quốc hội tham gia rất sâu sắc. Đến thời điểm này chỉ còn một số nội dung mang tính chất kỹ thuật, không liên quan đến nội dung lớn.
Theo đó, vấn đề về oxy y tế đã được thống nhất cao giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ đưa vào nghị quyết tại Kỳ họp tháng 10 để giao cho Chính phủ quy định. "Ngoài oxy y tế, khí để sử dụng trong khám chữa bệnh, quản lý mỹ phẩm cũng là nội dung còn khoảng trống pháp lý chưa được quản lý trong thời gian vừa qua. Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ thực hiện", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Kết luận hội nghị đại biểu chuyên trách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận 11 dự án luật, gồm dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cho đến thời điểm này, hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thành công rất tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận, xem xét tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()