Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:30 (GMT +7)
Quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai
Thứ 5, 05/07/2012 | 04:59:42 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh sẽ đưa ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm 2011-2015, nhằm tiếp tục quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên đất đai, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả bền vững.
Hiện trạng công tác quy hoạch và sử dụng đất
Theo đánh giá của UBND tỉnh: Công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch ngày càng đi vào nền nếp, góp phần tích cực vào việc SDĐ hợp lý và có hiệu quả. Việc lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã tuân thủ các nguyên tắc mà pháp luật đất đai quy định; nhận thức về vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ và ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch SDĐ của các cấp chính quyền được nâng lên, tình trạng vi phạm trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ ở các địa phương giảm. Quy hoạch, kế hoạch SDĐ đã góp phần tích cực khôi phục, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng trồng kinh tế. Diện tích đất chưa sử dụng từng bước được khai thác một cách hợp lý, đảm bảo yêu cầu cân bằng hệ sinh thái và bảo vệ môi trường; đáp ứng khả năng mở rộng diện tích đất phi nông nghiệp theo yêu cầu công nghiệp hoá, cũng như tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Mô hình trồng rau sạch tại huyện Hải Hà. |
Tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn tỉnh tính đến năm 2010 là 610.235,31ha. Trong đó: Đất nông nghiệp 460.119,34ha (đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản, trồng cây lâu năm...); đất phi nông nghiệp 83.794,82ha (đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, quốc phòng, an ninh, khu công nghiệp, di tích danh thắng...); đất chưa sử dụng 66.321,15ha; đất đô thị 82.426,96ha... |
Tuy nhiên, trong công tác này cũng còn những hạn chế. Đó là chất lượng dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch, kế hoạch SDĐ chưa tính toán khoa học và sát với chiến lược phát triển kinh tế -xã hội, nhu cầu thị trường bất động sản, dẫn tới tình trạng vừa thiếu vừa thừa quỹ đất và thường xuyên phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ. Quy hoạch còn thiên về sắp xếp các loại đất theo mục quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong SDĐ, chưa phát huy cao tiềm năng đất đai. Một số chỉ tiêu thực hiện không đạt so với kế hoạch SDĐ đề ra. Các hệ thống chỉ tiêu SDĐ trong nội dung quy hoạch, kế hoạch SDĐ thời kỳ trước áp dụng chung cho cả 4 cấp, nên không xác định được rõ trách nhiệm của từng cấp. Việc lấy ý kiến người dân, công bố công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ tại nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa tăng cường sự giám sát của người dân, dẫn đến tình trạng tiêu cực trong quản lý đất đai. Công tác GPMB tạo quỹ đất sạch chậm, ảnh hưởng đến triển khai xúc tiến đầu tư phát triển các khu công nghiệp, du lịch, khu đô thị… Một số địa phương chưa tiết kiệm SDĐ nông nghiệp, vẫn còn tình trạng lấy đất nông nghiệp có năng suất cao để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, trong khi vẫn còn nhiều các loại đất khác. Hiệu lực của quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn thấp…
5 nhóm giải pháp
Nhằm khắc phục thực trạng trên, tại kỳ họp này, UBND tỉnh có tờ trình về quy hoạch SDĐ đến năm 2020 và kế hoạch SDĐ 5 năm 2011-2015. Theo đó có 5 nhóm giải pháp được đưa ra. Một là, giải pháp về chính sách: Thực hiện tốt chính sách về thuế SDĐ và các khoản tiền có liên quan đến SDĐ, có ưu tiên theo ngành nghề, đặc biệt chính sách thuế mở theo hướng thu hút đầu tư, tạo điều kiện để nông dân dễ dàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng hiệu quả SDĐ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai theo pháp luật và chính sách của Nhà nước, nhanh chóng khắc phục những vướng mắc, tồn tại về quản lý đất đai, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thực hiện việc khai thác SDĐ có hiệu quả. Kiên quyết, hạn chế và nhanh chóng chấm dứt việc giao đất đầu tư xây dựng khi chưa có các kế hoạch cụ thể để thực hiện đầu tư hạ tầng. Có chính sách và biện pháp sử dụng hợp lý các loại đất mang tính đặc thù. Có chính sách đền bù hợp lý, thoả đáng đúng theo quy định của Nhà nước khi chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào các mục đích khác. Xây dựng chính sách miễn, giảm giao đất có thu tiền SDĐ; tiền thuê đất đối với các dự án thu hút đầu tư của tỉnh, các dự án đầu tư trong các lĩnh vực văn hoá, thể thao, dạy nghề, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường...
Hai là, giải pháp về nguồn lực và vốn đầu tư: Thực hiện đào tạo nghề cho nguồn nhân lực nhàn rỗi trong nhân dân để đáp ứng lao động tại chỗ cho các khu công nghiệp, các cơ sở SXKD, thương mại, dịch vụ. Tăng cường công tác tổ chức cán bộ ngành TN&MT đủ mạnh từ tỉnh đến xã, đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn và chính sách cho cán bộ địa chính cấp xã. Huy động vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án.
Ba là, giải pháp về KHCN: Áp dụng các tiến bộ KHCN phù hợp với tính đa dạng sinh học trong phát triển nông nghiệp. Ưu tiên đón đầu các thành tựu, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đô thị và công nghiệp... nhằm tăng hiệu quả SDĐ đai.
Bốn là, giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường: Thực hiện các biện pháp trồng rừng theo hình thức nông - lâm kết hợp trên đất dốc, hạn chế việc cày xới bề mặt đất trong mùa mưa và khai thác trắng đối với rừng sản xuất, để chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất. Tích cực bồi bổ làm giàu đất, chống ô nhiễm môi trường đất, trồng cây chắn sóng, chắn cát ven sông biển, hạn chế việc chuyển rừng ngập mặn ven biển để nuôi trồng thuỷ sản và một số mục đích khác. SDĐ khai thác khoáng sản và làm nguyên vật liệu xây dựng phải có phương án bảo vệ môi trường; sau khi kết thúc khai thác phải có kế hoạch phục hồi hiện trạng bề mặt SDĐ ban đầu, hoặc trồng rừng bảo vệ môi trường sinh thái. Có kế hoạch khai hoang, phục hoá, lấn biển để tăng quỹ đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và tạo thêm mặt bằng xây dựng. Kết hợp nuôi trồng thuỷ sản trên diện tích đất có mặt nước chuyên dùng, tích cực đưa mặt nước hoang hoá vào sử dụng; mở rộng nuôi quảng canh, chương trình nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Giao đất cụ thể đến các đối tượng trực tiếp SDĐ, phát triển cơ sở hạ tầng. Tăng cường công tác kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và các vốn rừng hiện có...
Cuối cùng là giải pháp về tổ chức thực hiện: Rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc ngoài thực địa và công khai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật đất đai, đảm bảo cho việc SDĐ đúng quy hoạch, kế hoạch...
Tuấn Hương
Ý KIẾN - KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI Ông Lý Trọng Bằng, Chủ tịch UBND xã Bằng Cả, huyện Hoành Bồ: “Tăng cường tập huấn cho cán bộ cơ sở về quản lý đất đai” Thanh Hằng - Phạm Hoạch |
Liên kết website
Ý kiến ()