Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:28 (GMT +7)
Quản lý chất thải rắn phát sinh
Thứ 3, 26/03/2024 | 13:30:39 [GMT +7] A A
Nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn. Trong bảo vệ môi trường, việc quản lý chất thải rắn phát sinh được chú trọng.
Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 434.022 tấn/năm; khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh khoảng 452.532.600 tấn/năm, bao gồm chất thải rắn phát sinh từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp (chủ yếu trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, tro xỉ thải, sản xuất giấy, sản xuất da giầy, sản xuất vật liệu xây dựng). Ngoài ra, trên địa bàn còn phát sinh hơn 11.264 tấn/năm chất thải nguy hại và trên 461 tấn chất thải y tế nguy hại...
Để đảm bảo xử lý tốt CTRSH, tỉnh tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư các khu xử lý trên địa bàn. Hiện toàn tỉnh có 19 cơ sở xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt và 4 khu chôn lấp CTRSH hợp vệ sinh. Qua đó giúp 95,8% lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn được xử lý kịp thời, đảm bảo.
Về phía chủ đầu tư các cơ sở sản xuất trên địa bàn đã chủ động ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động sản xuất. Trên địa bàn tỉnh có 2 đơn vị đồng xử lý chất thải công nghiệp thông thường để thay thế nguyên liệu, nhiên liệu; đó là Công ty CP Xi măng Hạ Long và Công ty CP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh. Ngoài ra, Công ty CP Xi măng Cẩm Phả cũng đang hoàn thiện thủ tục thử nghiệm đồng xử lý. Nhờ đó, năm 2023, tổng lượng chất thải được đồng xử lý là 311.111,89 tấn.
Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến xử lý chất thải nguy hại. Nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp nguy hại tại xã Dương Huy (Cẩm Phả) của Công ty TNHH MTV Môi trường - TKV là cơ sở xử lý chất thải công nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Nhà máy gồm 4 hệ thống với công suất: Lò đốt chất thải FB-500R với công suất thiết kế 500kg/giờ; Hệ thống tái chế dầu thải với công suất thiết kế 8.500kg/ngày; Hệ thống xử lý ắc quy thải với công suất thiết kế 1.000kg/ngày và Hệ thống xử lý, tái chế thùng phuy với công suất thiết kế 1.500kg/ngày. Phát huy tối đa năng lực xử lý chất thải nguy hại của TKV để xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải nguy hại, Công ty sẽ đầu tư giai đoạn 2 nhằm xử lý, tái chế săm lốp, chất thải khó phân hủy.
Về chất thải nguy hại, hiện 100% lượng chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh đã được thu gom, lưu giữ theo quy định và được các chủ nguồn thải hợp đồng với các đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để xử lý. Qua đó, khối lượng chất thải nguy hại tại các cơ sở sản xuất được xử lý là 11.264,632 tấn, khối lượng lưu kho 0,16683 tấn. Còn các cơ sở y tế trên địa bàn đều có hệ thống xử lý nước thải y tế và thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định. Với chất thải y tế nguy hại, Trung tâm Y tế (TTYT) Cô Tô tự xử lý; còn TTYT Hải Hà, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển tự xử lý một phần chất thải lây nhiễm. Các loại chất thải lây nhiễm vượt quá công suất tự xử lý, các loại chất thải nguy hại không lây nhiễm đều được các cơ sở y tế hợp đồng với đơn vị có chức năng để chuyển giao xử lý theo quy định.
Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương đều vận động, tuyên truyền giúp bà con nâng cao ý thức, để bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đúng nơi quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn công tác vệ sinh đồng ruộng sau khi thu hoạch đảm bảo an toàn trong sản xuất và hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng... Hiện toàn tỉnh có 5.190 bể chứa bao gói thuốc BVTV tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và 8 khu lưu chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Năm 2023, toàn tỉnh có 21.412kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và hóa chất BVTV không được phép sử dụng tại Việt Nam được thu gom, xử lý tiêu hủy; 800kg bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom vào các bể chứa, khu lưu chứa chờ xử lý tiêu hủy. Trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai 2 mô hình về thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng với quy mô 20ha tại xã Bình Dương (Đông Triều) và xã Sơn Dương (Hạ Long). Vỏ lọ hóa chất sát trùng, vỏ lọ vắc xin tiêm phòng, quần áo chống dịch trong chăn nuôi do các Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp sử dụng đều được thu gom xử lý theo quy định... Qua hiệu quả của mô hình, tỉnh tiếp tục nhân rộng triển khai công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại các địa phương khác trên địa bàn.
Sự quan tâm, kêu gọi đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý chất thải rắn phát sinh trên địa bàn của tỉnh và các địa phương góp phần tạo môi trường của tỉnh từ vùng thành thị đến nông thôn ngày càng sạch - đẹp.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()