Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:29 (GMT +7)
Quản lý và điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Thứ 5, 25/07/2024 | 14:36:17 [GMT +7] A A
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao ở hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây còn là gánh nặng bệnh tật không nhỏ đối với công tác chăm sóc y tế.
Theo thống kê tại Quảng Ninh, tỷ lệ người mắc COPD có xu hướng tăng ở nhiều độ tuổi khác nhau. Toàn tỉnh hiện có trên 2.500 bệnh nhân COPD đang được quản lý, điều trị ngoại trú tại phòng quản lý Hen-COPD của các Bệnh viện: Phổi Quảng Ninh, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế TP Móng Cái.
COPD là bệnh mạn tính. Do vậy việc tái khám đều đặn, tuân thủ điều trị, dùng thuốc đúng hướng dẫn là rất quan trọng. Tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, các bác sĩ đang quản lý, điều trị ngoại trú cho khoảng 1.200 bệnh nhân COPD.
Cách đây 4 năm, ông Tô Hải (phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sau đó duy trì điều trị hằng tháng. “Gần đây tôi vẫn xuất hiện những cơn ho, khó thở khi đi lại, ngủ không sâu giấc vì nặng ngực, khó thở. Vì vậy tôi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh và đã ổn định trở lại” - ông Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Nam (phường Cao Xanh, TP Hạ Long), cho hay: “Tôi mắc bệnh COPD đã 10 năm và duy trì dùng thuốc, tái khám định kỳ tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh. Nhờ tuân thủ điều trị theo sự tư vấn của bác sĩ nên bệnh của tôi ổn định, sức khỏe cải thiện”.
COPD là một bệnh lý hô hấp khiến cho người bệnh khó thở, vì đường thở bị hẹp so với bình thường và có thể dẫn đến suy hô hấp. Triệu chứng của bệnh thường tiến triển từ từ và phát triển chậm, thường gặp nhất là khó thở, ho, khò khè, có hiện tượng tăng tiết chất nhày và đờm, tức ngực kéo dài. Bệnh tiến triển nặng theo thời gian với những cơn cấp nặng ho, đàm mủ, suy hô hấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh COPD có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như suy hô hấp, suy tim, bệnh rối loạn chuyển hóa, ung thư phổi.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) cho biết: Người bệnh mắc COPD không thể điều trị khỏi hẳn được, nhưng có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng, giúp cải thiện chức năng phổi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người bệnh sau được chẩn đoán xác định hoặc sau điều trị ổn định đợt cấp, đủ điều kiện ra viện sẽ được hướng dẫn theo dõi, quản lý ngoại trú theo chương trình toàn diện, bao gồm: Điều trị thuốc; tư vấn bỏ thuốc lá, thuốc lào; phục hồi chức năng hô hấp; tiêm phòng cúm, phế cầu; tái khám định kỳ theo lịch hẹn hằng tháng. Khi đó bệnh có thể được kiểm soát và làm giảm số đợt cấp cần nhập viện.
Để điều trị chuyên sâu, toàn diện bệnh phổi nói chung, bệnh COPD nói riêng, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh đang cử nhiều kíp bác sĩ, điều dưỡng đi học tập, tiếp nhận kỹ thuật về ngoại khoa, phẫu thuật lồng ngực, gây mê hồi sức, rửa phổi, oxy cao áp… Mục tiêu đến cuối năm 2024 Bệnh viện sẽ triển khai và làm chủ được những kỹ thuật chuyên sâu này, cùng 100 kỹ thuật mới khác.
Bệnh COPD hiện được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát hiện sớm bệnh nhân trong cộng đồng để được quản lý, điều trị tốt. Là tuyến chuyên môn cao nhất của tỉnh về bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh tích cực tham gia đào tạo và chỉ đạo tuyến dưới về quản lý, điều trị bệnh COPD. Hằng năm Bệnh viện đều tổ chức các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho bác sĩ các tuyến về khám, điều trị và quản lý ngoại trú bệnh nhân COPD tại địa phương. Từ đó kịp thời chẩn đoán, xác định sớm COPD và hướng điều trị đúng theo phác đồ. Đồng thời Bệnh viện thực hiện giám sát các đơn vị y tế cơ sở về việc triển khai công tác chẩn đoán, khám, quản lý điều trị cho bệnh nhân mắc COPD tại cộng đồng.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính gây ra bệnh COPD là thói quen hút thuốc lào, thuốc lá thường xuyên hoặc tình trạng hút thuốc thụ động; tiếp xúc khói bụi độc hại trong thời gian dài. Để phòng bệnh, người dân cần phải bỏ thuốc lá, thuốc lào; cải thiện môi trường sống và làm việc. Khi mắc bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị thuốc, tập thở, tập phục hồi chức năng hô hấp tốt lên; tăng cường chế độ dinh dưỡng… Người dân cần lưu ý, khi có những biểu hiện nghi ngờ nên đi khám để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()