Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:55 (GMT +7)
Quản lý và tiết giảm chi phí sản xuất than
Thứ 6, 09/09/2022 | 10:48:55 [GMT +7] A A
Trong hoạt động của ngành than, chi phí sản xuất gồm 3 khoản mục cơ bản, đó là chi phí nguyên - nhiên - vật liệu, chi phí nhân công và chi phí sản xuất chung. Các khoản mục cơ bản này là toàn bộ chi phí cần thiết để sản xuất ra tấn than, đồng thời là cơ sở để hạch toán giá trị hòn than. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhất là trong những giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh và tác động của nền kinh tế toàn cầu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã phải siết chặt khâu quản lý và tiết giảm chi phí sản xuất bằng nhiều biện pháp.
Nguyên - nhiên - vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất là một trong những khoản mục tiêu tốn nhiều chi phí nhất đối với một đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn - TKV cho biết: Năm 2022, chỉ tính riêng khâu vận tải than và đất đá, Than Cao Sơn xây dựng kế hoạch sử dụng trên 55 triệu lít nhiên liệu. Mức tiêu hao nhiên liệu này được tính toán dựa trên hoạt động của trên 300 xe ô tô có trọng tải từ 55 đến 100 tấn, vận hành trong 3 ca sản xuất. Bình quân một thiết bị vận tải sẽ sử dụng khoảng 118 lít nhiên liệu/1.000 tấn km. Ngoài ra, chi phí về vật liệu, cụ thể là lốp xe ô tô cũng chiếm một khoản lớn trong chi phí vận tải của Than Cao Sơn. Thống kê cho thấy, chi phí về lốp xe ô tô hiện chiếm khoảng 25% chi phí vật liệu khâu vận tải của đơn vị.
Để giảm bớt các chi phí này, các bộ phận kinh tế của Than Cao Sơn đã tính toán và giao khoán định mức chi tiết đến từng phân xưởng vận tải. Các phân xưởng khoán chi phí sử dụng nhiên liệu, chi phí sửa chữa thiết bị, vận hành đến từng đầu phương tiện. Ngoài việc siết chặt các quy định khoán, Công ty làm tốt công tác giao ca ngoài khai trường, giảm huy động phí cho thiết bị vận tải ở mức thấp nhất; cải tạo các tuyến đường để các thiết bị hoạt động ổn định và gia tăng tuổi thọ cho lốp xe ô tô, giảm chi phí sửa chữa thiết bị, giảm mức tiêu hao nhiên liệu.
Còn đối với các đơn vị khai thác than hầm lò, chi phí về nhân công, cụ thể là nguồn lực tài chính dùng để trả lương và các phúc lợi đi kèm cho công nhân được xác định là khoản mục chi phí lớn nhất với các mỏ. Tuy nhiên, đây không phải là khoản chi phí có thể tiết giảm. Trái lại, để thu hút và giữ chân thợ lò, TKV phải cân đối tài chính để tăng lương và đãi ngộ cho đội ngũ này.
Giải pháp đặt ra để đảm bảo nguồn nhân lực ổn định nhưng vẫn giảm được chi phí sản xuất chính là áp dụng cơ giới hóa tối đa các công đoạn sản xuất than. Các hệ thống giàn chống thủy lực, các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, thiết bị đào lò, vận tải than hiện đại, phương pháp chống lò bằng vì neo... ngày càng được nhân rộng giúp các mỏ tăng năng suất, tăng tỷ lệ thu hồi than, giảm nhân công lao động trực tiếp, từ đó tiết kiệm được chi phí sản xuất. Công tác vận tải than cũng được băng tải hóa từ trong lò ra ngoài mặt bằng, đến nơi tiêu thụ, nhằm giảm tỷ lệ tổn thất than, đảm bảo môi trường và đặc biệt là tiết kiệm lao động thủ công.
Mặt khác, TKV đang chỉ đạo các đơn vị tăng cường giải pháp sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, vừa góp phần tiết giảm chi phí sản xuất, vừa phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Đàm Đức Hân, Phó Giám đốc Công ty Than Hòn Gai - TKV cho biết: "Đơn vị hiện đang áp dụng quy trình khai thác hợp lý để giảm số lượng thiết bị sử dụng điện, ưu tiên sử dụng thiết bị điện có công suất lớn vào giờ thấp điểm (trạm bơm thoát nước chính, trạm nén khí...); áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng cho các thiết bị chính (tời trục, băng tải giếng chính, quạt gió chính...). Trung bình một năm, Than Hòn Gai tiết kiệm được từ 1-1,5 triệu kWh điện, từ đó giảm được chi phí sản xuất và đảm bảo hiệu quả kinh doanh".
Mặt khác, trước bối cảnh giá cả nguyên liệu đầu vào cho sản xuất than tăng cao, để đảm bảo hiệu quả kinh doanh, TKV chỉ đạo các đơn vị tăng cường tái sử dụng nguyên vật liệu cũ để giảm chi phí mua mới thiết bị, vật tư.
Theo anh Nguyễn Bá Trường, Quản đốc Phân xưởng Cơ điện 1, Công ty Than Hạ Long - TKV, trung bình một năm, đơn vị đã thu hồi, tái sử dụng trên 800 vì chống lò, khoảng 2.500 cột bích, 3.500 thanh giằng cùng nhiều vật tư, thiết bị khác. Khối lượng lớn vật tư được tái sử dụng giúp Than Hạ Long giảm bớt được gánh nặng chi phí, mặt khác còn giúp đơn vị nâng cao tính tự chủ trong sản xuất.
Có thể thấy, tiết kiệm bằng các giải pháp phù hợp mang lại lợi ích kép cho các doanh nghiệp ngành than, vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa đạt được hiệu quả hoạt động theo mô hình quản trị tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, quản lý và thực hành tiết kiệm cần được các đơn vị ngành than duy trì thường xuyên, liên tục, không chỉ trong những lúc khó khăn.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()