Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:50 (GMT +7)
Quan tâm cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao
Thứ 7, 18/05/2024 | 09:25:24 [GMT +7] A A
Những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Trong đó, vấn đề dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng núi, vùng đồng bào DTTS rất được chú trọng.
Đến năm 2023, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em Quảng Ninh là 11,89%. Dù thấp hơn so với mức bình quân của cả nước là 13,8%, song vẫn còn cao so với mức độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Tỉnh vẫn còn hàng nghìn trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi và thể nhẹ cân, tập trung chủ yếu nhiều nhất là ở các huyện, xã miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Trước thực trạng đó, ngày 7/7/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1889/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”. Theo đó, địa bàn triển khai Đề án được thực hiện tại 64 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo thuộc các địa phương: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn.
Trong đó, tập trung vào 16 xã (với 132 thôn, bản) có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay (cả thể nhẹ cân và thể thấp còi), bao gồm các xã: Đồng Sơn, Kỳ Thượng (TP Hạ Long); Đạp Thanh, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ); Điền Xá, Hải Lạng, Hà Lâu, Phong Dụ (huyện Tiên Yên); Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động (huyện Bình Liêu); Quảng An, Quảng Lâm (huyện Đầm Hà); Quảng Sơn, Quảng Đức (huyện Hải Hà); Vạn Yên (huyện Vân Đồn).
Đề án sau khi ban hành được các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện rất khẩn trương, quyết liệt. Hội LHPN tỉnh - cơ quan chủ trì thực hiện đã nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án, đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn Hội LHPN các địa phương thuộc phạm vi Đề án tổ chức các nội dung hoạt động đảm bảo chất lượng, thiết thực, hiệu quả đúng quy định.
Để Đề án được phát huy tối đa hiệu quả, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cấp, các ngành về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.
Bên cạnh đó, tháng 3 vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Y tế Quảng Ninh tổ chức Hội thảo cấp tỉnh về "Giải pháp cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh". Hội thảo đã đưa ra các giải pháp góp phần cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ các cấp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của tỉnh.
Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao chất lượng bữa ăn và phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ tại trường. Đặc biệt là vận động xã hội hóa kinh phí hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của người dân để nâng cao chất lượng khẩu phần ăn, cải thiện bữa ăn tại trường cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi đang theo học tại các trường mầm non trên địa bàn; nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp, đồ dùng đồ chơi và tăng cường hỗ trợ chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ tại các trường mầm non.
Theo Hội LHPN tỉnh, thực hiện Đề án, thời gian tới, Hội sẽ thành lập và ra mắt 16 mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ" tại 16 xã có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở mức cao nhất trong tỉnh hiện nay. Tại 16 xã này, phấn đấu mỗi xã có ít nhất 80 nữ thanh niên, các bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ được tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường thể lực cho bà mẹ, trẻ em.
Hội cũng sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ có thai và nuôi con nhỏ; phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế, tăng thu nhập cho phụ nữ và các hộ gia đình gắn với đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng, bữa ăn gia đình; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt là vận động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho các hoạt động, mô hình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và lồng ghép hoạt động trong các chương trình, đề án, dự án có cùng mục tiêu, đối tượng tham gia.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()