Tất cả chuyên mục

Mặc dù xã Quảng An (huyện Đầm Hà) đã chính thức được công nhận ra khỏi diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) từ năm 2017, nhưng hiện nay xã vẫn còn 7/11 thôn trong diện này. Năm nay Quảng An quyết tâm đưa 5 thôn ra khỏi diện ĐBKK, gồm Nà Cáng, An Sơn, Nà Thống, Tán Trúc Tùng, Nà Pá.
Từ năm 2015, các nguồn vốn từ chương trình 135, xây dựng nông thôn mới của huyện Đầm Hà được đầu tư nhiều vào Quảng An, giúp hầu hết các tuyến giao thông của xã được cứng hóa. Bên cạnh đó hệ thống đập, kênh thủy lợi phục vụ sản xuất cơ bản cũng đã được nâng cấp. Việc “an cư lạc nghiệp” cho người dân cũng tạm ổn định. Đầu năm 2017, Quảng An hoàn thành Dự án khu tái định cư phục vụ di dân xã Quảng An (khởi công năm 2011). Công trình giúp 90 hộ dân các thôn, bản Làng Ngang, Nà Thủng, Tầm Làng, Sán Cáu, Trúc Tùng, Nà Pá, đều là các thôn, bản có đông hộ nghèo có nhà ở ổn định. Bà con còn được hỗ trợ các mô hình sản xuất như nuôi lợn Móng Cái, trồng quế, trà hoa vàng… để có thu nhập ổn định cuộc sống.
![]() |
Gia đình chị Chíu Sì Múi, thôn Nà Cáng, xã Quảng An, được hỗ trợ bò giống để phát triển kinh tế gia đình. |
Năm 2017, Dự án nuôi bò giống sinh sản đã giúp nhiều người thoát nghèo. Từ nguồn 135, xã đã bàn giao 100 con bò cho 100 hộ dân trên địa bàn, với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ đối ứng của người dân tham gia là 365 triệu đồng. Để chương trình này được thành công, xã đã lập ban chỉ đạo riêng chuyên theo dõi dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc về xử lý dịch bệnh, vệ sinh môi trường chuồng trại, theo dõi tình hình chăn nuôi của các hộ tham gia dự án. Hiện nay đàn bò phát triển ổn định, làm thay đổi nhận thức của một số hộ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, hiệu quả và tăng giá trị sản xuất, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.
Gia đình anh Chíu Sán Tắc, thôn Nà Cáng, một trong các thôn trong kế hoạch ra khỏi diện ĐBKK vào cuối năm nay, đã được cấp 1 con bò giống để chăn nuôi sinh sản. Để phát triển kinh tế lâu bền, vợ chồng anh Tắc mạnh dạn vay mượn tiền xây ngôi nhà kiên cố. Có nhà rồi anh Tắc yên tâm hơn, hằng ngày anh tham gia đội thợ xây ở xã đi làm lấy tiền trang trải nợ nần và sinh sống. Vợ anh, chị Chíu Sì Múi ở nhà chăn bò và họ đã thoát nghèo năm trước. Theo ông Lỷ Sòi Lềnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nà Cáng thì không phải khi được tặng bò, người nghèo cứ trông vào con bò mà thoát nghèo, mà đây là nguồn động viên họ. Có nhiều người phấn khởi vay mượn mua thêm bò chăn nuôi tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình vì nguồn cỏ tươi ở Quảng An rất nhiều. Cũng theo ông Lềnh từ chương trình 135, năm 2017, Nà Cáng có 15 hộ được cấp bò sinh sản, thì đến cuối năm đã có 8 hộ từ nghèo xuống cận nghèo, 2 hộ thoát khỏi hẳn nghèo. Với hiệu quả trong việc nuôi bò qua các năm trước, năm nay từ nguồn 135, xã Quảng An sẽ cấp 400 con bò cho hộ nghèo và cận nghèo của xã để phát triển chăn nuôi.
![]() |
Người dân Nà Cáng tự vận động nhau xây bể để đưa nước hợp vệ sinh về thôn, mà không chờ đợi sự hỗ trợ của Nhà nước. |
Nà Cáng còn là thôn người dân đã phát huy rất tốt tinh thần tự chủ, từ năm 2014, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, 88 hộ dân thôn Nà Cáng sống ở gần nhau, tự vận động nhau đóng góp tiền và hơn 2.000 ngày công lao động để làm 4 bể chứa nước hợp vệ sinh (40m3/bể) cho thôn. Hoạt động này đã giảm tải nỗi lo về nước hợp vệ sinh cho Nà Cáng và tạo hướng đi cho chỉ tiêu nước sạch của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới của xã Quảng An. Nước được đưa về từ trên rừng nguyên sinh cách thôn khoảng 5km. Khi thôn có công trình nước sạch, ý thức bảo vệ rừng nguyên sinh của bà con cũng cao hơn, bà con tự tuyên truyền nhau gìn giữ các cánh rừng đầu nguồn, để bảo vệ nguồn nước.
Thôn Mào Sán Cáu cũng trong kế hoạch ra khỏi diện ĐBKK vào cuối năm nay. Bà con trong thôn có nghề đan nón lá đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số miền Đông có tên gọi là “nón Đại Hiệp”. Xã Quảng An đã lên kế hoạch thành lập HTX Đan nón Quảng An, để tạo việc làm cho người dân. Năm nay, sản phẩm nón Đại Hiệp đã được Sở KH&CN tỉnh cấp chứng nhận và xã đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) để được cấp thương hiệu độc quyền. Xã đã tích cực huy động nguồn xã hội hóa để mở các lớp truyền dạy nghề đan nón cho lớp trẻ và đã mở được 1 lớp cho 15 học viên. Theo anh Phạm Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An: “Sản phẩm nón Đại Hiệp của chúng tôi hiện tại không đủ bán. Sau khi sản phẩm trưng bày tại hội chợ OCOP tỉnh được nhiều khách hàng ưa thích. Một số cơ sở làm du lịch ở TP Hạ Long đã đặt hàng với số lượng lớn”.
Năm 2017, xã Quảng An đã có 94 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở xã xuống còn 14,34%. Năm nay, Quảng An có kế hoạch đưa 125 hộ thoát nghèo và ưu tiên giúp các hộ khó khăn ở các thôn trong kế hoạch ra khỏi diện ĐBKK cuối năm nay.
Công Thành
Ý kiến (0)