Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 18:23 (GMT +7)
Quảng cáo sai sự thật: Sẽ quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức
Thứ 4, 08/02/2023 | 08:42:16 [GMT +7] A A
Việc bùng nổ các quảng cáo thuốc với những công dụng như “thần dược” mà chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng và công nhận cần được ngăn chặn. Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua và tháng 5.2023, sẽ có những điều chỉnh kịp thời về vấn đề này.
Khi bàn về Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, luật cần bổ sung thêm quy định về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở lĩnh vực nhạy cảm. “Hiện có nhiều dịch vụ liên quan đến tế bào gốc. Người sử dụng dịch vụ phải chi phí hàng trăm triệu đồng, nhưng hiệu quả thấp. Tế bào gốc dùng để điều trị các bệnh về máu nhưng không phải lĩnh vực nào cũng có tác dụng. Việc sử dụng tế bào gốc để làm đẹp, tăng khả năng tình dục… còn khá mơ hồ” - đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ví dụ. Do vậy, đại biểu đề nghị, phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là trong các dịch vụ đặc thù, tốn kém.
Còn theo Đại biểu Trương Xuân Cừ, cần bổ sung thêm quyền được tư vấn đối với người tiêu dùng. Nếu không được tư vấn về sản phẩm mình có nhu cầu thì người tiêu dùng không thể biết được công dụng của chúng đến đâu. Đặc biệt là với đối tượng là người cao tuổi - nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nhất, nếu không được tư vấn kỹ về các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thì họ dễ bị thiệt thòi.
Về quyền của người tiêu dùng, Đại biểu Quốc hội Lại Văn Hoàn cho rằng, cần xem xét những nội dung như “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng, an toàn, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh đã đăng ký, công bố, niêm yết, quảng cáo, cam kết hoặc theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) chỉ ra thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng đã lạm dụng quyền của mình để làm ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh. Ví dụ như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; một số cơ quan truyền thông đưa tin về việc khách hàng đến sử dụng các dịch vụ nhưng khi livestream trên mạng đưa tin không đúng, thậm chí là hạ bệ uy tín của đơn vị kinh doanh.
Do đó, đề nghị, bên cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng khi xảy ra việc lạm dụng quyền trong quan hệ tiêu dùng để tránh những trường hợp như vậy.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) cho rằng, sửa Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng nhằm khắc phục bất cập của các quy định hiện hành và điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh. Bên cạnh đó các chế tài xử phạt đối với các cá nhân vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “loạn” quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, quảng cáo sai sự thật khiến nhiều văn nghệ sĩ bỗng dưng đau lưng, đau gối, yếu sinh lý phải “rao” bán thuốc suốt ngày trên mạng.
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi) đưa ra quan điểm: Tiếp tục bảo vệ sự yếu thế của người tiêu dùng, từng bước trang bị các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng để hình thành sự chủ động của người tiêu dùng; Bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính; Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội; Khuyến khích cả hệ thống chính trị, từng tổ chức, mỗi cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường mạng và nền tảng số...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()