Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 20:56 (GMT +7)
Quang Hải có sai lầm khi chọn Pau FC?
Thứ 3, 23/08/2022 | 22:12:31 [GMT +7] A A
Truyền thông Việt Nam cũng như ở Pháp dường như đang quá lo lắng cho tương lai của Quang Hải.
4 vòng đấu của mùa giải 2022-2023 tại Ligue 1, câu lạc bộ Pau xếp thứ 18/20 đội với thống kê khá tệ. 2 hòa, 2 thua, 2 điểm, 1 bàn thắng, thủng lưới 8 lần. Và lập tức, truyền thông “chủ nhà” Pháp lẫn báo giới Việt Nam tập trung “tấn công” đội bóng của huấn luyện viên Didier Tholot.
Cùng với đó, khi liệt kê những con số được cho là khả quan với màn trình diễn của Quang Hải’, đã sớm xuất hiện lo ngại cho những gì phía trước cựu tiền vệ câu lạc bộ Hà Nội. Điều đó không sai, nhưng có phải là quá sớm khi đánh giá về sai lầm trong chính sách chuyển nhượng của Pau FC? Có phải là quá sớm khi nói Quang Hải sai lầm với bến đỗ này, bởi anh “sẽ không học được gì tích cực”?
Về bản chất, việc đưa tin và đánh giá về các sự kiện thể thao, các trận đấu bóng đá thường dựa trên hiện tượng hơn là bản chất. Vì thế, qua từng tuần, từng trận đấu, thông tin tích cực về một đội bóng, một cầu thủ, một quyết định của huấn luyện viên dựa trên kết quả.
Chẳng hạn như, Manchester United “bị dìm xuống tận đáy” sau 2 thất bại, nhưng chỉ với trận thắng Liverpool, mọi sự thay đổi. Ai biết, cuối tuần này bộ mặt của Quỷ đỏ sẽ ra sao? Hay mùa trước, Arsenal thua 3 trận liên tiếp đầu mùa, còn mùa này, Pháo thủ thắng 3 trận, biết đâu, điểm chung của sự khác biệt này cũng chỉ là “hiện tượng”?
Vậy nên, đánh giá về Pau FC hay Quang Hải sau 4 trận đấu quả thực là quá sớm. Ngay từ đầu, tất cả đều hiểu, Pau FC chỉ là câu lạc bộ trung bình yếu ở Ligue 2 của Pháp, nhưng mối quan tâm quá lớn vì sự có mặt của Quang Hải đột nhiên “nâng tầm” họ.
Những mong đợi về mùa chuyển nhượng của đội trở nên nghiêm túc, dù biết ngân sách của đội bóng vùng Tây Nam nước Pháp không mấy dư dả. Nếu có thể, họ đã “mang cả thế giới về sân Nouste Camp” để phục vụ cho “việc học hành” của Quang Hải…
Nếu như so sánh Pau FC thậm chí còn kém các câu lạc bộ ở… V.League thật sự là khập khiễng, việc bình luận, phán xét lối chơi tập thể, cách chơi cá nhân ở đội bóng này phần nào đó cho thấy sự đánh giá quá cao khả năng của Quang Hải ở môi trường chưa phải là đỉnh cao nhất của bóng đá Pháp.
Tại sao nói Quang Hải không học được gì khi đến với môi trường này? Không học được gì nghĩa là thất bại? Trong khi giới chuyên môn vẫn luôn dẫn chứng các ví dụ về số lần ra sân ít ỏi của các đồng đội với Quang Hải ở đội tuyển quốc gia như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Hậu là thất bại, việc tiền vệ người Đông Anh đá 188 phút chỉ sau 4 trận (2 trận đá chính) phải là một cách nhìn tích cực.
Hải “con” chuyền bóng hỏng, Hải “con” để mất bóng, Hải “con” không được đồng đội chuyền bóng… đó có phải là thất bại? Về mặt tác động tới tập thể, điều đó đúng. Nhưng về cá nhân, mỗi một hành động, mỗi cú vấp của Quang Hải là một bài học cho chính anh để rút kinh nghiệm.
Biết đâu, việc hạn chế đưa bóng đến cho Quang Hải cũng là một phần trong “chỉ thị” của Tholot!? Bởi như ông nói, tất cả phải kiên nhẫn với Quang Hải, thời gian để làm quen không thể chỉ là một vài tháng. Các cầu thủ nước ngoài thừa hiểu Quang Hải không phải là siêu sao quá đặc biệt, thể hình lại nhỏ, nên họ hoàn toàn chủ động trong việc gây áp lực lên anh rất sớm.
Thử tưởng tượng các đồng đội liên tục nhồi bóng cho Quang Hải xem, có khi, thời gian đứng trên sân của anh sẽ còn ít hơn…
Như vẫn nói, thành công hay thất bại chỉ đến cuối cùng mới có thể khẳng định. Thậm chí, với các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, “học” từ những vấp ngã có khi còn quan trọng hơn…
Theo Laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()