Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11 (1982 - 2022) Đầu tư cho giáo dục - Định hướng phát triển bền vững của Quảng Ninh
Thứ 6, 18/11/2022 | 14:04:44 [GMT +7] A A
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt, có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đầu tư lớn cho giáo dục - đào tạo (GDĐT), trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt.
Trong chiến lược phát triển ở mọi giai đoạn, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm coi trọng thực hiện quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Tỉnh luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GDĐT; coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Hàng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực GDĐT chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó, chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên. Riêng giai đoạn 2015-2020, tổng chi cho lĩnh vực GDĐT đạt gần 22.000 tỷ đồng.
Nhờ sự quan tâm, đầu tư hiệu quả nên Quảng Ninh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Năm học 2022-2023, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành Giáo dục Quảng Ninh là trên 21.200 người, trong đó cấp mầm non có 6.338 người; tiểu học có 5.857 người; THCS có 5.829 người; THPT có 2.976 người; khối GDTX có 199 người; các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục là 1.468 người. Đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo đạt trên 99%.
Mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến cao đẳng, đại học phát triển theo từng năm. Toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 1 cơ sở trực thuộc trường đại học, 646 cơ sở giáo dục phổ thông với hơn 335.000 trẻ mầm non và học sinh các cấp học. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 87,81%, đáp ứng tốt chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tình hình mới. Tỉnh đã giữ vững và ngày càng nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3. Đến năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, hoàn thành sớm 5 năm so với kế hoạch.
Đặc biệt, giáo dục mũi nhọn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công với nhiều học sinh đoạt giải và huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Tiêu biểu như học sinh Vũ Huy Hoàng đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022; học sinh Lê Thùy Mai Anh giành Huy chương Đồng Olympic Vật lý châu Âu 2022; 3 học sinh vô địch Đường lên đỉnh Olympia là Đặng Thái Hoàng năm 2012, Nguyễn Hoàng Cường năm 2018 và Nguyễn Hoàng Khánh năm 2021. Giáo dục mũi nhọn trong nước của tỉnh cũng tiếp tục khẳng định vị thế với 48 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tăng 7 giải so với năm 2021.
Để tạo sự công bằng trong giáo dục, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, giúp mọi học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi, vùng DTTS, diện có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu như Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục THCS trên địa bàn tỉnh không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 183/2014/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh…
Cùng với việc ưu tiên chăm lo cho giáo dục vùng khó, tỉnh cũng có những quyết sách kịp thời đảm bảo sự phát triển hài hòa ở tất cả các cấp học, cân đối giữa giáo dục với đào tạo, giữa công lập và tư thục. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20/2009/NQ-HĐND về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí chi trả tiền công và các khoản đóng góp chế độ theo tiền công cho giáo viên hợp đồng đạt chuẩn đào tạo trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học THPT, trung cấp nghề hoặc học văn hóa THPT kết hợp với học nghề trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt là đối với Trường Đại học Hạ Long - “mũi nhọn” đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, hàng loạt chính sách đặc thù đã được tỉnh ban hành, tạo điều kiện tốt nhất cho việc thu hút nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Nổi bật là Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017; Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đào tạo học sinh, sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025…
Đặc biệt, ngày 31/8/2022 vừa qua, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2022-2023. Toàn tỉnh sẽ có hơn 225.000 người được thụ hưởng chính sách với kinh phí khoảng 460 tỷ đồng. Đây là năm học thứ hai liên tiếp tỉnh có chính sách đầy tính nhân văn này, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, đầu tư rất lớn của tỉnh cho sự nghiệp giáo dục, hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục.
Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ 11 vừa qua, tại Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vốn ngân sách tỉnh, HĐND tỉnh cũng đã nhất trí thông qua việc bổ sung có mục tiêu hỗ trợ các địa phương thực hiện 17 dự án xây dựng, mở rộng, nâng cấp trường học theo Nghị quyết số 99/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 với tổng kinh phí 1.880 tỷ đồng…
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()