Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:23 (GMT +7)
Quảng Ninh lập kỷ lục mới về thu ngân sách
Thứ 7, 31/12/2022 | 13:54:43 [GMT +7] A A
Năm 2022 mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất ổn do tình hình thế giới và khu vực, nhất là chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt và những giải pháp kịp thời, linh hoạt, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Trong đó nổi bật là số thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 54.831 tỷ đồng, bằng 104% dự toán năm.
Với quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2022, ngay từ đầu năm, công tác quản lý thu NSNN được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác thu ngân sách, nhất là đối với các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh. Thực hiện miễn, giảm thuế, ưu đãi thuế theo đúng quy định của Luật Thuế. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng. Bên cạnh đó, quyết liệt xử lý thu nợ thuế, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư...
Với nhiều cách làm hiệu quả, Quảng Ninh đã hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch đề ra. Trong tổng số thu NSNN năm 2022, thì thu nội địa thực hiện 38.468 tỷ đồng, bằng 92% dự toán và thu XNK đạt 16.363 tỷ đồng, bằng 154% dự toán. Phân tích từng nội dung thu cho thấy, đối với thu nội địa, đã có 9/16 khoản thu hoàn thành dự toán năm, bao gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; thuế thu nhập cá nhân; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thu tiền sử dụng đất; tiền thuê mặt đất, mặt nước; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; các khoản thu tại xã; thu khác ngân sách.
Một số doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh có số thu NSNN lớn được kể đến như: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, cả năm nộp trên 14.000 tỷ đồng, bằng 105% dự toán, bằng 106% so với năm 2021, chiếm 33% tổng thu NSNN cả tỉnh; Tổng Công ty Đông Bắc nộp cả năm trên 2.000 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, chiếm 4,8% tổng thu NSNN cả tỉnh; các nhà máy nhiệt điện nộp cả năm gần 1.700 tỷ đồng, bằng 91% dự toán, chiếm 3,9% tổng thu NSNN cả tỉnh; các công ty xăng dầu nộp thuế bảo vệ môi trường, cả năm nộp 1.255 tỷ, bằng 56% dự toán, chiếm 3% tổng thu NSNN cả tỉnh.
Còn đối với thu hoạt động XNK, mặc dù chính sách biên mậu phía Trung Quốc thắt chặt do thực hiện chiến lược “Zero Covid”, tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã sớm nhận diện, có những biện pháp hiệu quả, kịp thời nên kết quả thu đạt được tương đối lớn. Có được kết quả này, ngay từ những ngày đầu năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp hàng hóa được thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh. Các chi cục Hải Quan đã có các giải pháp quyết liệt trong công tác thu, áp dụng cải cách hành chính, qua đó thu hút trên 300 doanh nghiệp về làm thủ tục hải quan tại Quảng Ninh, với số phát sinh thuế trên 1.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi các hoạt động bình thường trở lại sau đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng than tăng mạnh, trong khi nguồn cung than hiếm nên giá than nhập khẩu tăng cao. TKV và Tổng Công ty Đông Bắc tăng lượng than nhập khẩu để pha trộn phục vụ nhu cầu sản xuất điện, nhờ đó số thu NSNN từ mặt hàng than nhập khẩu tăng mạnh.
Trong năm, Quảng Ninh cũng ghi nhận sự tăng thu NSNN ở các địa phương trong tỉnh. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng 13/13 địa phương đã rất nỗ lực để hoàn thành số thu mà tỉnh giao đầu năm. Kết thúc năm, các địa phương của tỉnh đã thu nộp cho NSNN đạt gần 16.000 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, bằng 103% so với năm 2021. Trong đó, thu tiền sử dụng đất đạt gần 8.000 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, bằng 92% so với năm 2021; thu thuế, phí đạt gần 7.900 tỷ đồng, bằng 104% dự toán, bằng 118% so với năm 2021.
Căn cứ dự báo thuận lợi, khó khăn trong năm 2023 và chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính về giao dự toán năm 2023, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh giao dự toán thu NSNN năm 2023 (Tờ trình số 6090/TTr-UBND ngày 1/12/2022) là 54.000 tỷ đồng, bằng 103% dự toán năm 2022, bằng 102% dự toán Trung ương dự kiến giao năm 2023. Trong đó, số thu XNK 12.000 tỷ đồng, bằng 113% dự toán năm 2022, bằng 104% dự toán Trung ương giao; thu nội địa 42.000 tỷ đồng, bằng 100% dự toán năm 2022, bằng 101% dự toán Trung ương giao.
Đối với số thu XNK 12.000 tỷ đồng, dự toán được UBND tỉnh xây dựng dựa trên kế hoạch XNK của một số doanh nghiệp có số thu lớn, chính sách thuế XNK. Theo đó, thu từ hoạt động kinh doanh xăng dầu 1.585 tỷ đồng; thu từ xuất khẩu than 1.045 tỷ đồng (TKV dự kiến xuất khẩu 2 triệu tấn than, số thu nộp ngân sách 1.012 tỷ đồng; Tổng Công ty Đông Bắc dự kiến xuất khẩu 30.000 tấn, số thu nộp ngân sách 33 tỷ đồng); thu từ than nhập khẩu 4.132 tỷ đồng (TKV dự kiến nhập 6 triệu tấn, số thuế nộp ngân sách 2.836 tỷ đồng; Tổng Công ty Đông Bắc nhập khẩu 1,2 triệu tấn, số thuế nộp ngân sách 600 tỷ đồng; các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu 1,9 tấn, số thuế nộp ngân sách khoảng 696 tỷ đồng); thu từ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi 569 tỷ đồng; thu từ nguyên liệu sản xuất dầu thực vật 307 tỷ đồng; thu từ máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất phục vụ các dự án đầu tư, doanh nghiệp FDI 433 tỷ đồng; thu từ hàng hóa XNK khác 3.929 tỷ đồng.
Đối với số thu nội địa 42.000 tỷ đồng, dự toán xác định số thu từ thuế, phí (không bao gồm tiền sử dụng đất) là 34.500 tỷ đồng. Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước do Trung ương quản lý 14.956 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 1.800 tỷ đồng; thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh 5.324 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân 1.897 tỷ đồng; lệ phí trước bạ 1.239 tỷ đồng; tiền thuê mặt đất, mặt nước 1.528 tỷ đồng; phí, lệ phí 2.083 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.550 tỷ đồng…
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, biện pháp điều hành NSNN năm 2023 được tỉnh thống nhất là tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu dự toán được HĐND tỉnh giao, đảm bảo chỉ tiêu tăng thu nội địa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí, bảo đảm thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu.
Đặc biệt sẽ phải tăng cường giải pháp chống thu thuế, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, quản lý chặt chẽ hoàn thuế; giảm tỷ lệ, xử lý thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế GTGT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý thuế; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()