Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:29 (GMT +7)
Quảng Ninh đổi mới cùng đất nước
Thứ 7, 30/10/2021 | 07:39:09 [GMT +7] A A
Quảng Ninh - mảnh đất phên giậu nơi địa đầu của Tổ quốc, qua 58 năm xây dựng và phát triển, với nền tảng là tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã được hun đúc qua nhiều thế hệ, cùng với ý chí đổi mới mãnh liệt, đã đưa tỉnh đạt được những thành quả quan trọng, trên nhiều phương diện. Đồng thời, đóng góp cho đất nước nhiều bài học kinh nghiệm quý, thực tiễn sinh động, trong công cuộc đổi mới. Những thành tựu nổi trội của Quảng Ninh là kết quả của việc sớm nhận diện chính mình, vượt qua những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển; kiên trì các mục tiêu lâu dài, phù hợp với đặc điểm, thực tiễn, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; là sự vào cuộc quyết liệt, tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tư duy mới để đột phá
Hơn 35 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, Quảng Ninh đã cho thấy sự vận động, phát triển không ngừng của mình. Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chủ động, sáng tạo đề ra các chủ trương chính sách và biện pháp phù hợp, nhằm khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, từng bước vượt qua những khó khăn thách thức.
Để tạo sự bứt phá trong phát triển, Quảng Ninh đã mạnh dạn xây dựng nhiều đề án lớn, tổng thể để báo cáo Trung ương cho chủ trương triển khai với các cơ chế, chính sách mới. Trong đó phải kể đến: Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái" được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 108-TB/TW, ngày 1/10/2012 với 7 nhóm cơ chế, chính sách; Đề án "Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino tại khu kinh tế Vân Đồn" được Bộ Chính trị cho chủ trương tại Thông báo 138-TB/TW, ngày 24/6/2013 đồng ý các đề xuất đột phá; Đề án "Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế" (Đề án 25) làm cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) chỉ đạo triển khai trong phạm vi cả nước...
Song song với đó là rất nhiều mô hình thí điểm mới, cách làm mới đã được Quảng Ninh tiên phong thực hiện nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phục vụ phát triển KT-XH. Điển hình như, 100% đơn vị cấp huyện trực thuộc tỉnh đã thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; hợp nhất cơ quan uỷ ban kiểm tra - thanh tra và cơ quan tổ chức - nội vụ cấp huyện; thành lập Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trên cơ sở sáp nhập các trường có cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước thành lập Đảng bộ Cục Thuế tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy gắn với sắp xếp lại tổ chức ngành Thuế; thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trực thuộc UBND cùng cấp... Qua thực tiễn vận hành, các mô hình đã cho thấy sự phù hợp và hiệu quả.
Ngay khi đất nước khởi xướng việc chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” ở đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Ninh đã nhanh chóng bắt nhịp với những cách làm hay, thể hiện tư duy sáng tạo, dám dấn thân đổi mới. Trong đó phải kể đến việc thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”. Đây là một trong những giải pháp đột phá để tỉnh phát triển nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tư duy và cách làm mới của Quảng Ninh đã được Chính phủ rất ủng hộ, nhà đầu tư hoan nghênh, tin tưởng. Đến nay, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước huy động tư nhân đầu tư cao tốc, cảng biển, sân bay quy mô, đẳng cấp quốc tế. Kết cấu hạ tầng đô thị được chỉnh trang đồng bộ, văn minh, hướng tới mô hình đô thị thông minh.
Không ngừng đổi mới đã đem lại cho Quảng Ninh nhiều trái ngọt. Đến năm 2020, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đạt 211.476 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Thu ngân sách nội địa luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước có đóng góp về Trung ương. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 341.644 tỷ đồng, tăng 1,56 lần so với giai đoạn 2011-2015, bình quân tăng 10,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước. Quảng Ninh hiện cũng là địa phương duy nhất của cả nước dẫn đầu 4 chỉ số cải cách quan trọng, là: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Tô thắm truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”
2 năm đương đầu với đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn, chưa từng có không chỉ của mỗi địa phương mà còn là ở quy mô quốc gia, quốc tế, Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy đổi mới không ngừng. Các đối sách với đại dịch của tỉnh luôn chủ động, đi trước, đón đầu, thể hiện qua phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Mục tiêu cao nhất là chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; song song với đó là ổn định KT-XH, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới.
Dù là địa bàn ngay trong giai đoạn đầu của đại dịch đã được Trung ương đánh giá có nguy cơ rất cao lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng, tuy nhiên, Quảng Ninh cơ bản đã giữ được an toàn cho người dân trong suốt 2 năm qua. Ở một số thời điểm có các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, tỉnh đã chỉ đạo việc truy vết, khoanh vùng, dập dịch rất nhanh chóng, hiệu quả. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ phủ vắc-xin nhanh nhất và cao nhất của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm được trên 1,8 triệu mũi, hệ số sử dụng vắc-xin đạt 105,3%, trong đó có 973.940 mũi 1 và 873.957 mũi 2 (đã có 973.940 người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin, đạt 95,44%). Từ cách làm chủ động, hướng sự ưu tiên hàng đầu đến người dân, đã tạo được sự tin tưởng, đồng thuận rất cao.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 3 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), chia sẻ: “Qua nắm bắt tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong khu phố những năm qua, tôi thấy rằng mọi người đều rất ủng hộ và tin tưởng và các chủ trương, chính sách của tỉnh. Nhất là trong giai đoạn chống đại dịch Covid-19 hiện nay, các biện pháp tỉnh thực hiện đều rất hiệu quả, bảo vệ được nhân dân, phát triển được kinh tế, ai nấy đều rất phấn khởi, tự hào mình là công dân Quảng Ninh”.
Còn ông Nguyễn Hữu Văn, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giai đoạn 1992-2000 thì nhận định: “Bằng những chủ trương đúng đắn của Tỉnh ủy, sự vào cuộc triển khai quyết liệt của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực để người dân được thụ hưởng những chính sách tốt nhất trong khả năng của tỉnh. Đây chính là mấu chốt để xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền”.
Bằng những quyết sách, chủ trương đúng đắn, hướng tới sự đổi mới, phát triển toàn diện, mục tiêu cao nhất là vì hạnh phúc của nhân dân, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền đã không ngừng được củng cố. Theo kết quả điều tra xã hội học, khảo sát đánh giá chỉ số niềm tin của nhân dân trên toàn tỉnh năm 2018 đạt 85,1%, năm 2019 đạt 95%, năm 2020 đạt trên 96%.
Trong giai đoạn hiện nay, với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, giữ an toàn cho nhân dân trước đại dịch, đồng thời phải giữ đà tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh đã nhanh chóng thay đổi các trụ cột tăng trưởng, chuyển từ khu vực dịch vụ sang công nghiệp - xây dựng, lấy trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo; tích cực thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án quy mô; tiếp tục đẩy nhanh phát triển đô thị… Nhờ sự linh hoạt này, 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 8,6% (cao hơn nhiều lần so với trung bình cả nước) trong điều kiện ngành than, dịch vụ, du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; thu ngân sách nhà nước đạt 34.377 tỷ đồng, bằng 67% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 27.277 tỷ đồng, bằng 70% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 63.839 tỷ đồng, tăng 7,8% cùng kỳ; thu hút FDI thế hệ mới có bước đột phá, đạt 1,067 tỷ USD, tăng 2,67 lần so với cùng kỳ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được chăm lo.
Tỉnh đã dành nguồn lực lớn để triển khai Đề án phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông hệ công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập; hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch bệnh; cùng nhiều chính sách an sinh xã hội khác… Thành công của Quảng Ninh trong thực hiện "mục tiêu kép" cũng đã được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao, một số cách làm đã được nêu gương để các địa phương trong nước tham khảo, học tập.
Những ngày tháng 10 này, khi toàn tỉnh đang hướng về ngày thành lập tỉnh 30/10, Quảng Ninh rộn ràng khởi động, khởi công cùng lúc 4 dự án lớn, tổng mức đầu tư lên tới trên 280.000 tỷ đồng, trải dài từ đầu đến cuối tỉnh, đó là: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh tại TX Quảng Yên và TP Hạ Long; dự án Sân golf 27 lỗ tại TX Đông Triều; Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả và dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái. Điều này cho thấy dư địa phát triển của tỉnh vẫn còn rất lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn cho biết: Các dự án được triển khai đã khẳng định những nỗ lực của Quảng Ninh trong duy trì tăng trưởng, hoàn thành "mục tiêu kép". Đồng thời, tiếp tục cụ thể hoá quan điểm, định hướng của tỉnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Những thành tựu đạt được là minh chứng sinh động cho quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, sáng tạo, kế thừa và phát triển của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng, tạo đà cho Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới. Khẳng định là một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói riêng, khu vực miền Bắc và cả nước nói chung. Còn đối với mỗi công dân của Quảng Ninh, sự đổi mới của quê hương sẽ tiếp tục hun đúc thêm niềm tự hào, khát vọng được cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()