Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị
Thứ 7, 02/10/2021 | 07:38:14 [GMT +7] A A
Việc thực hiện thí điểm các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh tại Quảng Ninh thời gian qua đã góp phần đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường được sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy vai trò, chất lượng hoạt động của đoàn thể; phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, đáp ứng thực tiễn khách quan, được nhân dân, cán bộ, đảng viên tin tưởng, đồng tình ủng hộ.
Năm 2015, thực hiện Đề án 25, Nghị quyết 19-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; chủ động trong sắp xếp, bố trí cán bộ kiêm nhiệm chức danh ở cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Qua đó đã tạo tiền đề vững chắc để ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị được ban hành về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, BCH Trung ương Đảng khoá XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cùng Kết luận số 34-KL/TW, ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị, Quảng Ninh đã thực hiện triển khai hợp nhất tổ chức, đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tiếp tục nhân rộng những nội dung đã được chứng minh hiệu quả trong thực tiễn.
Đến nay, Quảng Ninh đã cơ bản thực hiện thí điểm một số mô hình mới và kiêm nhiệm chức danh. Cụ thể như: Hợp nhất Cơ quan Ủy ban Kiểm tra với Phòng Thanh tra thành Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra tại 13/13 địa phương; hợp nhất Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ tại 13/13 địa phương; hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND-UBND huyện thành Văn phòng Huyện ủy, HĐND và UBND ở các địa phương; thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và kiêm nhiệm chức danh Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở 13/13 địa phương và ở cấp tỉnh; thực hiện thí điểm mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử (thuộc Văn phòng UBND tỉnh) và Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh).
Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện việc chuyển chức năng bồi dưỡng lý luận chính trị của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị về Ban Tuyên giáo cấp ủy, chức năng tài chính, phục vụ về Văn phòng cấp ủy ở 13/13 địa phương cấp huyện, đồng thời bố trí lãnh đạo Ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện; thực hiện kiêm nhiệm chức danh Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ; nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/13 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên).
Thực tế các mô hình khi đi vào hoạt động đã đem lại những hiệu quả rõ rệt. Đó là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy cơ bản khắc phục được những hạn chế, tồn tại đã được nhận diện; giảm đầu mối, giảm khâu trung gian, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới đặt ra tại Quảng Ninh. Đơn cử như đối với cấp huyện có đặc thù không phải cấp ban hành chủ trương, chính sách, chủ yếu mang tính chất thừa hành - chỉ đạo thực thi, vì vậy bộ máy hệ thống chính trị cấp huyện được tổ chức theo hướng tích hợp cao như mô hình Cơ quan Ủy ban Kiểm tra - Thanh tra, Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, Cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất thể các hóa chức danh người đứng đầu là rất phù hợp, vừa tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đã có nhiều đổi mới; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền được nâng lên rõ rệt. Qua đó đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận diện, đánh giá đúng thực tiễn hơn; lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm và tập trung nguồn lực thực hiện những chủ trương mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, việc thực hiện các mô hình mới cũng đã mở rộng dân chủ trong Đảng, trong xã hội, góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, xây dựng Đảng, chính quyền; tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, đảng viên, CCVC; tham gia những công việc của địa phương với nhiều nhiệm vụ khó khăn, phức tạp đạt hiệu quả cao. Có thể kể đến như sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vận động GPMB các dự án trọng điểm, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như đại dịch Covid-19...
Với việc quyết liệt đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đã trở thành một trong những động lực quan trọng giúp Quảng Ninh đạt được những kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao, ổn định, bình quân 5 năm (2015-2020) đạt 10,7%; thu ngân sách trên địa bàn luôn đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước; kết cấu hạ tầng chiến lược có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại; CCHC chuyển biến mạnh mẽ, thực chất. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng được nâng lên, từ 73,3% (năm 2016) lên 96% (năm 2020). Đặc biệt, trong 9 tháng của năm 2021 khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biển chủng Delta, Quảng Ninh vẫn giữ được “vùng xanh” an toàn, địa bàn “Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao 8,6%.
Để các mô hình mới phát huy cao nhất hiệu quả trong thực tiễn, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ triển khai đề án "Thực hiện đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ CBCCVC có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025". Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, các quy định, quy chế làm việc và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ chức mới và kiêm nhiệm chức danh; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy chế phân cấp quản lý trên tất cả các lĩnh vực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nghị quyết; tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ... Cùng với đó, tiếp tục đề xuất với Trung ương xem xét để có những chủ trương đảm bảo các mô hình mới phát huy cao nhất.
Thu Chung
- Khát vọng Hồ Chí Minh và trách nhiệm của hệ thống chính trị cùng toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay
- BĐBP tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở
- Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
- Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()