Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 19/11/2024 16:37 (GMT +7)
"Quảng Ninh là mảnh đất giàu tiềm năng âm nhạc…"
Chủ nhật, 07/01/2018 | 07:42:52 [GMT +7] A A
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là người dành nhiều sự quan tâm cho âm nhạc Quảng Ninh. Ông từng nhiều lần được mời làm Trưởng Ban Giám khảo của các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh cũng như của ngành Than. Nhân chuyến công tác của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đến Quảng Ninh, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông.
[video(42806)]
- Thưa nhạc sĩ, ông đánh giá như thế nào về âm nhạc Quảng Ninh trong những năm gần đây?
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. (Ảnh: Hùng Sơn) |
+ Trong mặt bằng chung của các nước, Chi hội Nhạc sĩ Quảng Ninh là một trong những đơn vị hoạt động rất tích cực với nhiều nhạc sĩ có tên tuổi và sung sức, như: Đỗ Hoà An, Xuân Quang, Lê Thêm, Vũ Đức Tạo, Lê Đăng Vệ, Ngọc Xuân, Đặng Xuyên, Nguyễn Thành Long, v.v.. Tuy nhiên, âm nhạc Quảng Ninh phải rộng ra với nhiều thế hệ và phải trông đợi vào các nhạc sĩ trẻ hơn thế hệ 40 tuổi như: Tuấn Đạt, Vũ Việt Hồng, Nguyễn Đức Thắng, Nguyễn Mạnh Trung, v.v.. Nhờ lực lượng này mà càng ngày đội ngũ những người sáng tác âm nhạc ở Quảng Ninh càng dày thêm. Không những thế, nhiều nhạc sĩ từng sống và sáng tác ở Vùng mỏ nay chuyển đi nơi khác cũng thường xuyên gửi tác phẩm của mình về Quảng Ninh. Bởi vậy, trong một số cuộc thi âm nhạc, nhạc sĩ Quảng Ninh hay từng sống và thành danh ở Quảng Ninh cũng thường hay đoạt giải cao.
Theo tôi, muốn đánh giá về âm nhạc Quảng Ninh thì phải nhìn nhận trên 3 phương diện. Thứ nhất là lực lượng sáng tác như tôi vừa nói ở trên. Thứ 2 là phong trào âm nhạc thì Quảng Ninh là vùng đất rất giàu truyền thống. Chính truyền thống yêu văn nghệ này mới tạo ra những tài năng, thế hệ trước có những tên tuổi như: NSND Quang Thọ, Quang Mạo, Doãn Tần, cố NSND Lê Dung…; sau này thì có Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Tuấn Anh, v.v..
Thứ ba là ngay trong phong trào quần chúng, ở Quảng Ninh có nhiều hội diễn ngành mà ấn tượng nhất với chúng tôi là các hội diễn của ngành Than. Những hội diễn này là cái nôi, là vườn ươm, là nơi tập hợp lực lượng rất đông đảo tự giác, có tổ chức với hiệu quả nghệ thuật cao. Tôi cho rằng, chủ trương duy trì tổ chức ba năm một lần sinh hoạt văn hoá, văn nghệ rộng khắp của lãnh đạo TKV là việc làm rất có ý nghĩa. Việc huy động một lực lượng diễn viên, nghệ sĩ tham gia hội diễn đã giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người thợ, tạo không khí hăng say lao động sản xuất. Khó có một ngành nào lại tổ chức được những hội diễn quy mô như vậy.
Quảng Ninh được thiên nhiên ưu ái nhiều thứ nên đã được tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn, trong đó có những sự kiện về âm nhạc và những hoạt động cho các nhạc sĩ tìm kiếm cảm hứng sáng tác, trải nghiệm thực tế sinh động để có tác phẩm và có đất diễn. Nhìn chung, mảnh đất Quảng Ninh có nhiều tiềm năng âm nhạc, có hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp lớn mạnh và rộng khắp. Nhận ra điều này, lãnh đạo tỉnh và Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang xây dựng một trung tâm đào tạo tài năng âm nhạc tại Tuần Châu, TP Hạ Long. Trong tương lai gần, trung tâm đi vào hoạt động sẽ là động lực cho âm nhạc Quảng Ninh phát triển hơn nữa…
[video(42806)]
- Thưa ông, chúng tôi được biết, ông vừa dự Hội thảo khoa học toàn quốc nhận diện sự vận động của văn học nghệ thuật. Vậy theo ông, âm nhạc Quảng Ninh đang có sự vận động như thế nào?
+ Âm nhạc có sự vận động dễ nhận thấy nhất và nhanh nhạy nhất. Điều đó có được là do âm nhạc quá đa dạng, nhất là nhạc trẻ càng vận động nhanh và dễ tiếp thu cái tiên tiến của âm nhạc thế giới, từ ngôn ngữ âm nhạc, phương tiện biểu diễn nhạc cụ, cách thức biểu diễn rồi dàn máy ghi âm, kỹ thuật hòa âm, phối khí, v.v.. Nhưng đây là sự tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu ồ ạt. Trong khi đó, Quảng Ninh lại là mảnh đất rất thuận lợi cho sự giao lưu. Vì thế, các nhạc sĩ trẻ Quảng Ninh đã có nhiều thuận lợi sử dụng âm nhạc điện tử, tiếp thu thành tựu âm nhạc thế giới và những trào lưu mới. Thêm nữa, những đề tài của họ hướng tới cũng là tuổi trẻ với đặc thù của vùng Than, vùng lao động công nghiệp có truyền thống với những con người anh hùng. Do đó, tác phẩm họ viết ra dễ đi vào tuổi trẻ, được giới trẻ tiếp nhận.
- Nhân nói đến âm nhạc của vùng Than, ông có nghĩ rằng so với giai đoạn trước thì hiện nay chúng ta đang thiếu những trường ca kiểu như “Tôi là người thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Vân?
"Quảng Ninh là vùng đất rất giàu truyền thống về âm nhạc. Chính truyền thống yêu văn nghệ này mới tạo ra những tài năng, thế hệ trước có những tên tuổi, như:
NSND Quang Thọ, Quang Mạo, Doãn Tần, cố NSND Lê Dung…; sau này thì có Hồ Quỳnh Hương, Ngọc Anh, Hoàng Tùng, Hoàng Thái, Tuấn Anh, v.v.." Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
|
+ Tôi nghĩ rằng, thế hệ các nhạc sĩ cha anh đã có môi trường cuộc sống rất ưu ái. Cuộc sống trong chiến tranh với những chuyến đi thực tế sáng tác sinh động ở Vùng mỏ đã tạo ra một nguồn cảm hứng sáng tác phong phú, có sự rung động với cảm xúc chân thực. Khi họ tiếp xúc với sự gian lao, vất vả, hy sinh và cả sự anh dũng, bất khuất của người Vùng mỏ cộng với tài năng âm nhạc, thì sẽ cho ra đời những tác phẩm hay. Thời ấy, ranh giới giữa nhạc sĩ và công nhân, người lao động bị xóa nhòa đi. Nhiều nhạc sĩ đã đến với Quảng Ninh và để lại nhiều tác phẩm hay, như: “Những ngôi sao ca đêm” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, “Đường đi lên mỏ” của nhạc sĩ Tân Huyền, “Bài ca công nhân Vùng mỏ” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, “Bài ca thợ lò” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, “Nhịp máy khoan” của nhạc sĩ Trọng Bằng, “Trái tim đỏ trên đất mỏ Vàng Danh” của nhạc sĩ Chu Minh, “Đất mỏ anh hùng” của nhạc sĩ Xuân Giao, v.v..
Còn hiện nay, thực tế đã mất đi cái sự gắn kết giữa người sáng tác âm nhạc và người lao động; mất đi độ am hiểu chuyên sâu về ngành nghề, biến thành thứ gì đó kiểu như “cưỡi ngựa xem hoa” thì hơi quá nhưng cứ phơn phớt thế nào ấy. Tôi tin rằng, nếu không cùng sống, cùng suy nghĩ, cùng đau đớn với nhân dân, với người lao động thì khó có tác phẩm hay được. Theo tôi đấy là nguyên nhân chính. Còn yếu tố nữa là sự chèn ép của các loại hình giải trí khác nhạc làm cho đề tài đó không còn thu hút. Trong khi, khán giả chỉ cần giải trí, không cần cải phải lắng đọng tâm tư nữa. Đấy cũng là cái đã làm mất đi đất sống, mất không gian cho những thể loại âm nhạc chính thống ra đời, tồn tại và lan tỏa được.
Như vậy, ngoài tài năng và sự dấn thân của nhạc sĩ, thì cần một môi trường tốt để nuôi dưỡng âm nhạc. Đó chính là tình yêu của công chúng, nhất là công chúng trẻ phải hướng đến âm nhạc chính thống, như: Trường ca, chính ca, thậm chí là cả hành khúc. Rồi các đài phát thanh truyền hình, các hội diễn nữa, sao lại ít phát, ít biểu diễn âm nhạc chính thống mà chủ yếu đưa nhạc trẻ vào, ít liên quan đến công nhân mỏ. Làm như vậy thì âm nhạc chính thống phát triển sao được…
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (ngồi giữa) và các nhạc sĩ của tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Phạm Học) |
- Bên trên ông vừa nhắc đến trung tâm đào tạo tài năng trẻ về âm nhạc. Định hướng phát triển của trung tâm này trong thời gian tới như thế nào, thưa nhạc sĩ?
+ Trước hết phải nói rằng, xây dựng trung tâm này ở Quảng Ninh là chủ trương đúng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã chọn đất đẹp để cho Hội Nhạc sĩ Việt Nam xây dựng trung tâm làm chỗ tụ hợp nhân tài, giảng viên, giáo viên, nhạc sĩ tài năng trong khu vực về với Vùng mỏ, mảnh đất mà con người, thiên nhiên rất phù hợp cho âm nhạc.
Khi trung tâm đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ chú ý đào tạo tài năng trẻ từ lớp 1, lớp 2 của tiểu học theo phương thức tự nguyện của một tổ chức nghề nghiệp về âm nhạc. Đây cũng là một địa chỉ văn hóa biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương; giới thiệu sản phẩm âm nhạc cho nhân dân và du khách. Trung tâm cũng làm dịch vụ thu thanh và phát hành âm nhạc. Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho các nhạc sĩ, đặc biệt là các nhạc sĩ lão thành về nghỉ ngơi, tư duy sáng tác các tác phẩm âm nhạc. Trong khi đó, Quảng Ninh vốn được coi là một Việt Nam thu nhỏ với đầy đủ núi rừng, biển đảo, biên giới, ruộng đồng, làng quê, nên sẽ là nơi các nhạc sĩ thoả sức đi thực tế, kiếm tìm đề tài.
Theo tôi, thời gian tới, ngoài những đề tài quen thuộc, cần hướng đến các đề tài có nhiều thú vị về vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh. Tóm lại, đây là địa chỉ văn hóa tạo điều kiện cho phong trào sinh hoạt văn hóa âm nhạc của tỉnh cũng như khu vực phía Bắc và cả nước …
- Xin cảm ơn nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học - Lương Công (Thực hiện)
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()