Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:02 (GMT +7)
Náo nức hội xuân
Chủ nhật, 25/02/2024 | 21:54:08 [GMT +7] A A
Từ sau Tết Nguyên đán cho đến hết 3 tháng mùa xuân là thời gian diễn ra nhiều lễ hội sôi nổi, vui tươi trên khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Các lễ hội được tổ chức vào dịp xuân mới trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của cộng đồng dân cư, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với bậc tiền nhân có công lao với quê hương, đất nước cũng như gửi gắm những mong ước về năm mới bình an, hạnh phúc, may mắn, tài lộc. Ngay từ sáng 14/2 (mùng 5 Tết), TX Quảng Yên đã khai hội Tiên Công năm 2024, kéo dài trong 3 ngày với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian độc đáo như: Nghi lễ rước cụ Thượng trên võng đào, phong tục dựng quán trạm con rể đón rước bố mẹ vợ, trò chơi cờ người, tổ tôm điếm, đắp đê, đấu vật... Không gian Lễ hội được diễn ra ở các xã, phường Hà Nam với trung tâm lễ hội là tại di tích miếu Tiên Công, thuộc địa phận xã Cẩm La và ở 23 từ đường nhà thờ họ.
Ông Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, cho biết: Lễ hội Tiên Công năm nay được tổ chức ở quy mô cấp thị xã gắn với kỷ niệm 590 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam và chủ đề công tác năm 2024 “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”. Lễ hội có 2 đoàn rước tập thể và 4 đoàn rước cá nhân. Ngoài ra, trước đó còn hơn 100 cụ Thượng không tổ chức rước mà dẫn lễ lên miếu Tiên Công. Đặc biệt, năm nay lễ hội đã khôi phục và làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của “Quán trạm con rể” nhằm giáo dục truyền thống kính trọng cha mẹ, người cao niên.
Song song với lễ hội Tiên Công, cũng tại TX Quảng Yên, lễ hội Cầu ngư Tân An diễn ra trong hai ngày mùng 5, mùng 6 tháng Giêng tại cảng cá Bến Giang với nhiều nghi lễ dâng hương, văn tế, lễ tất, rước nước cúng các vị thần biển cầu mong cho trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều hải sản và bình an cho người, phương tiện trong mỗi chuyến ra khơi.
Tại TX Đông Triều, ngày 18/2 (mùng 9 tháng Giêng), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh phối hợp với TX Đông Triều khai hội xuân Ngọa Vân năm 2024. Lễ hội diễn ra với nghi lễ cầu quốc thái dân an, gióng trống thỉnh chuông khai hội, dâng hương tri ân công đức của Phật hoàng và các bậc tiền nhân cùng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trống hội, biểu diễn võ thuật Vovinam, trò chơi dân gian rất đặc sắc nhằm tạo không khí vui tươi, sôi động, phục vụ du khách gần xa khi hành hương về Ngọa Vân.
Sau đó 1 ngày, vào mùng 10 tháng Giêng, hội xuân Yên Tử, một trong những lễ hội lớn và kéo dài nhất khu vực phía Bắc, thu hút hàng vạn tăng ni, phật tử và du khách về với vùng đất Phật linh thiêng để chiêm bái, vãng cảnh đã khai mạc. Phật tử và nhân dân đã hòa mình vào không khí lễ hội với các nghi thức: Gióng trống, thỉnh chuông khai hội, dâng lễ, lễ cầu quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, đêm hội hoa đăng, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, biểu diễn múa rồng, lân, võ thuật cổ truyền; triển lãm tranh, ảnh tuyên truyền về các giá trị của Yên Tử, ẩm thực của đồng bào dân tộc Dao Thanh Y.
Trước đó, từ ngày 24 tháng Chạp, TP Uông Bí và Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức chương trình "Làng Việt - Tết xưa" tại đình làng Nương với nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, trải nghiệm phong phú để phục vụ du khách. Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được chỉnh trang. Hệ thống cờ hoa, con đường hoa khoe sắc ngay từ Dốc Đỏ vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ, chào đón du khách bốn phương.
Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao, Quảng Ninh hiện có hơn 100 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống, nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Các lễ hội phần lớn diễn ra vào mùa xuân như: Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội Yên Tử, lễ hội đền, chùa Hang Son, lễ hội đình Đền Công, lễ hội chùa Phổ Am (TP Uông Bí), lễ hội chùa Ngọa Vân, lễ hội chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều), lễ hội đình Đầm Hà, lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái).
Lễ hội đầu xuân tôn vinh truyền thống yêu nước, tinh thần dân tộc, ngợi ca tinh thần yêu lao động, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, ước nguyện về những vụ mùa bội thu. Những lễ hội đầu năm tạo không khí vui tươi, giúp nhân dân có thêm niềm tin, động lực, hăng say lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()