Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:23 (GMT +7)
Người nuôi thuỷ sản thiệt hại nặng nề sau thiên tai
Thứ 7, 14/09/2024 | 10:37:14 [GMT +7] A A
Là ngành kinh tế thế mạnh của Quảng Ninh, song trận bão số 3 vừa qua đã khiến ngành Thuỷ sản Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề, nhất là những hộ nuôi lồng bè trên biển. Người ít thì cũng vài trăm triệu, người nhiều thì hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng bị cuốn trôi theo sóng nước.
Từng là khu vực tấp nập với trên 100 hộ nuôi cá lồng bè trên vùng biển Cẩm Phả, thế nhưng sau trận bão số 3, tất cả những gì còn lại ở khu vực Cặp Vọ chỉ là ngổn ngang mảnh bè vỡ, phao nhựa trôi vô định. Tài sản có khi lên tới hàng tỷ đồng của người nuôi giờ chỉ còn lại vài cọc gỗ, phi nhựa, có những người thậm chí còn chẳng thể tìm lại bè của mình ở đâu.
Anh Đinh Xuân Đức, người nuôi cá lồng bè tại vùng biển này, tự nhận là may mắn khi vẫn tìm lại được một ít phao nhựa và bè mảng, vừa trầm mình trong nước buộc lại các mối nối giữa các ô lồng, chia sẻ: “Trước đây khu này nhà có hơn trăm ô cá, cả nhà bè, máy móc, tàu bè trôi hết theo bão rồi. Bè vỡ, cá thì bơi về biển. Trắng tay”.
Theo thống kê sơ bộ của TP Cẩm Phả, tính đến ngày 11/9, trên khu vực biển của thành phố chỉ có khoảng 39 hộ nuôi còn giữ lại được vài phần lồng bè, mức độ thiệt hại từ 50-70%; 326 hộ nuôi còn lại gần như thiệt hại hoàn toàn. Đáng nói, do phần lớn các hộ đều nuôi các loại cá có giá trị cao như: Song, vược, chim vàng… nên thiệt hại về tài sản là rất lớn.
Ngày thứ 5 sau cơn bão, trên mặt biển, người thì đang cố gắng gia cố lồng bè còn lại, người thì huy động anh em, họ hàng, làng xóm thả dây câu bắt lại con cá nào hay con nấy. Trong những ô lồng may mắn chưa rách lưới sau cơn bão, những con cá song vài cân bị va đập xước xát, cháy vảy, chậm chạp bơi trong sự sầu lo của người nuôi.
Ông Tô Văn Toàn buồn rầu chia sẻ: “Trước bão nhà tôi vay mượn ngân hàng, anh em, đầu tư được 27 ô bè, nuôi 1 vạn con cá song, rồi cá chim, cá vược, vài loại nữa là gần 2 vạn. Giờ còn chưa được vài phần. Nhưng cũng lo vô cùng vì sợ cá yếu, rồi bệnh, cá không sống được thì thực sự là không biết lấy đâu ra để trả nợ lãi ngân hàng chứ chưa nói đầu tư làm lại…”.
Là ngành kinh tế biển quan trọng, chưa bao giờ người làm nghề biển Quảng Ninh phải đối diện với những thiệt hại to lớn khủng khiếp như hiện nay. Theo số liệu từ báo cáo thiệt hại do cơn bão số 3 tới 17h ngày 12/9 của tỉnh, trên 2.637 cơ sở nuôi trồng thủy sản đã bị thiệt hại. Không chỉ một địa phương là Cẩm Phả, mà tất cả những địa phương có biển đều chung tình cảnh gần như “trắng biển”.
Tại TX Quảng Yên, toàn bộ 800 bè hàu, 1.700 lồng nuôi cá của các hộ nuôi trên địa bàn thị xã đều bị phá huỷ sau bão. Của đau con xót, những ngày này, nhiều người vẫn cố gắng ra biển tìm kiếm, cứu lại những tài sản cuối cùng, từ mảnh bè gỗ, tới sợi dây treo hàu, hà.
Bỏ mặc ngôi nhà bị tốc mái trên bờ, từ sau khi bão đi qua đến nay, ông Đỗ Văn Hướng (phường Tân An, TX Quảng Yên) ngày ngày ra biển cố gắng vớt vát chút đỉnh sinh kế cho gia đình. Ông Hướng trầm ngâm: “Hai anh em, mỗi người tầm 1 tỷ đồng đầu tư giàn hàu, tất cả đều cuốn đi theo bão hết. Bao nhiêu vốn liếng, giờ thì không còn gì, không biết phải làm gì, không biết khắc phục như thế nào nữa…”.
Tại các địa phương: Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên và tất cả các địa phương có biển của tỉnh, người nuôi trồng thuỷ sản cũng phải hứng chịu thiệt hại do bão số 3. Người ít thì vài trăm triệu, nhiều thì vài tỷ, vài chục tỷ đồng trôi theo sóng nước. Mặt biển vẫn bề bộn sau bão. Có những người mất tích vẫn chưa trở về. Và có lẽ phải rất lâu nữa, ngành kinh tế biển quan trọng này mới có thể khôi phục trở lại như khi trước bão.
Hiện, các địa phương vẫn đang thực hiện việc rà soát thống kê thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời lên kế hoạch để dọn vệ sinh môi trường biển trong thời gian tới, cũng như tạo các điều kiện hỗ trợ để bà con có thể quay trở lại nuôi trồng trong thời gian ngắn nhất.
Để đảm bảo công tác nuôi trồng thủy sản được bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, về lâu dài, cần giải pháp tổng thể để khôi phục nghề nuôi biển theo hướng bền vững hơn, nhất là trong điều kiện diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp như hiện nay.
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()