Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 18:14 (GMT +7)
Quảng Ninh những ngày đầu toàn quốc kháng chiến
Chủ nhật, 03/09/2023 | 15:55:54 [GMT +7] A A
Cũng giống như tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám (1945), tiếng súng kháng chiến chống thực dân Pháp ở Quảng Ninh đã nổ ra sớm, trước 5 tháng so với các tỉnh miền Bắc, mở đầu trang sử kháng chiến chống Pháp 9 năm của quân và dân Vùng mỏ anh hùng.
Theo Hiệp định Sơ bộ Chính phủ ta ký với Pháp ngày 6/3/1046, ngày 15/4/1946, hơn 1.000 quân Pháp từ miền Nam kéo ra đóng ở Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông để thay thế quân Tưởng. Tại Hòn Gai, ngay khi đổ bộ, quân Pháp đã ngang nhiên đặt súng máy ở các góc phố, cấm đoán, ngăn cản nhân dân đi lại. Chúng đã tập kích nơi đóng quân của bộ đội ta ở Cửa Ông, bắn chết một số tự vệ và bộ đội.
Trước đó, ngày 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Vịnh Hạ Long để hội đàm với G. d'Argenlieu, Cao uỷ Pháp tại Đông Dương trên chiến hạm Emile Bertin để bàn về tiến trình thi hành Hiệp định Sơ bộ nhằm tránh cho một cuộc chiến tranh nổ ra. Đây có thể coi là lần đầu tiên Bác đặt chân với Vịnh Hạ Long, tới Quảng Ninh.
Để phản đối thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ và vi phạm Hiệp định 6/3, ngày 8/6/1946, hàng ngàn công nhân, thợ thủ công, bồi bếp và cả cai ký ở Hòn Gai đã tham gia “Tuần lễ bất hợp tác” làm đình trệ sản xuất trong mỏ, buộc bọn chủ mỏ phải nhượng bộ, chấp nhận yêu sách của công nhân.
Ngày 7/7/1946, giặc Pháp đã xả súng vào khu dân cư Lán Bè, đốt nhà làm 90 người dân vô tội thiệt mạng. Vô cùng căm phẫn, nhân dân Hòn Gai đã liên tiếp tổ chức các cuộc đấu tranh, tuần hành, tố cáo tội ác của giặc Pháp. Từ đó cho tới cuối năm 1946, các cuộc đấu tranh của công nhân mỏ liên tiếp nổ ra, đặc biệt sau khi chi bộ Đảng của thị xã Cẩm Phả được thành lập và Công nhân cứu quốc của đặc khu Hòn Gai ra đời (tháng 4/1946) thì phong trào đấu tranh của công nhân càng liên tục.
Tại tỉnh Hải Ninh, giữa tháng 7/1946, quân Pháp từ Vạn Hoa được sự hỗ trợ của quân phỉ do Voòng A Sáng chỉ huy đã đánh chiếm Tiên Yên. Bộ đội ta phải phân tán lực lượng đối phó nhiều nơi nên không đủ sức đối phó với quân địch. Chiếm được Tiên Yên, quân Pháp sau đó tiến ra Đầm Hà, lên Bình Liêu để thay thế quân Tưởng. Tháng 8/1946, quân Pháp dùng bọn phỉ tổ chức trận càn lớn vào Bản Hà, Khe Mò, Hà Lâu (Tiên Yên) nhưng đã bị Trung đoàn Tiên Yên và du kích kiên quyết đánh trả, bẻ gãy cuộc càn, bảo vệ nhân dân thu hoạch lúa mùa.
Cho tới trung tuần tháng 12/1946, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, quân Pháp đã tập trung xung quanh khu mỏ, chiếm những vị trí quan trọng, khống chế giao thông thuỷ bộ.
Tối 19/12/1946, Pháp tăng thêm quân ở thị xã Hòn Gai. Sáng 20/19/1946, chúng đưa tối hậu thư đòi Uỷ ban Hành chính đặc khu đầu hàng. Trưa cùng ngày, chúng cho quân phong toả, đánh chiếm trụ sở các cơ quan của ta. Bộ đội và tự vệ chiến đấu đã tổ chức đánh địch bảo vệ an toàn cho các cơ quan dân chính Đảng rút ra ngoài.
Tại Cửa Ông, đêm 20/12/1946, bộ đội ta đã tập kích quân Pháp ở đồn Cao. Các đơn vị tự vệ cùng công nhân đã phá hoại nhiều phương tiện, máy móc và bảo vệ cho cơ quan và nhân dân rút ra khỏi thị trấn an toàn.
Ngày 21/12/1946, các lực lượng vũ trang, cơ quan đặc khu và thị xã Hòn Gai đã tới Xích Thổ, sau đó về Sơn Dương (nay thuộc thành phố Hạ Long). Đêm 24, rạng ngày 25/12/1946, quân ta tập kích vào bốt Hà Lầm, tiêu diệt gần 30 tên sĩ quan Pháp, thu 23 khẩu súng và một số quân trang, quân dụng.
Ngày 30/12/1946, tại xã Sơn Dương, đại đội Hồ Chí Minh được thành lập. Đây là đơn vị bộ đội đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, gồm hầu hết là công nhân và con em công nhân mỏ.
Để thống nhất chỉ đạo kháng chiến, ngày 31/3/1947, liên tỉnh Quảng Hồng được thành lập bao gồm tỉnh Quảng Yên, đặc khu Hòn Gai và các huyện Thủy Nguyên, Chí Linh, Nam Sách, Kinh Môn, Đông Triều. Đồng chí Nguyễn Công Hoà được chỉ định làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Ngày 16/12/1948, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu I đã quyết định tách tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai. Tỉnh Quảng Ninh khi đó lại bao gồm tỉnh Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên và Đặc khu Hòn Gai.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()