Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:50 (GMT +7)
Phát triển hạ tầng gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh
Thứ 3, 21/03/2023 | 06:00:00 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Thông báo số 108-TB/TW ngày 1/10/2012 của Bộ Chính trị về Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh và thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Móng Cái", Quảng Ninh đã phát huy nội lực, thực hiện thành công 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh (QP-AN), góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển nhanh, bền vững, trở thành khu vực phòng thủ vững chắc.
Năm 2020, Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 341 (QL18C) từ KKT Cửa khẩu Móng Cái đến KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh - giai đoạn 1 hoàn thành, đưa vào sử dụng, đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng biên giới, hiện thực hóa chủ trương ổn định và di dân lên vùng biên giới, kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia.
Hạ tầng tốt thuận lợi cho giao thương. Gia đình chị Nguyễn Thị An (thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất trồng keo kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm các loại cây ăn quả như sim, dứa, đào, hồng xiêm, theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài". Năm 2022, cây dứa cho thu hoạch vụ đầu tiên, khẳng định sự bén duyên của loại cây trồng mới trên vùng đất biên cương. Giao thông thuận lợi nên tư thương thu mua tận vườn. Với sản lượng khoảng 3 tấn, giá bán ổn định từ 15.000-20.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình chị thu hơn 50 triệu đồng.
Nhiều hộ dân xã Bắc Sơn đã có thu nhập và cuộc sống tốt hơn nhờ QL 18C được nâng cấp. Năm 2021, Bắc Sơn được công nhận xã NTM kiểu mẫu. Đây cũng là xã đầu tiên của TP Móng Cái, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên của tỉnh đạt NTM kiểu mẫu.
Yên tâm phát triển kinh tế, bám trụ nơi biên cương, mỗi người dân xã Bắc Sơn đã thực sự là "tai, mắt" của BĐBP, trở thành những "cột mốc sống", đan kết thành phên giậu, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Thiếu tá Lê Đức Hân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn, cho biết: Nhân dân đã tích cực tham gia cùng BĐBP tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới; thường xuyên cung cấp thông tin cho BĐBP phục vụ công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tội phạm, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép. Năm 2022, nhân dân đã cung cấp hơn 200 tin cho đơn vị, trong đó có 130 tin có giá trị, phục vụ công tác bảo vệ biên giới.
Xác định giao thông phải đi trước một bước, trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW và Thông báo số 108-TB/TW, Quảng Ninh đã đổi mới tư duy, tầm nhìn, năng động, sáng tạo để huy động các nguồn lực đầu tư các công trình từ thành thị đến nông thôn.
Tỉnh đã đầu tư xây dựng mới được trên 3.000km đường bộ, trong đó có 480km quốc lộ với quy mô các tuyến cơ bản đạt từ cấp III trở lên; gần 6.000km đường tỉnh, đường liên huyện, liên xã.
Hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư. Ở các địa bàn miền núi, biên giới như huyện Bình Liêu, những tuyến đường ô tô đã về đến tận các thôn, bản xa nhất, khó khăn nhất, mở ra những cơ hội việc làm và cải thiện đời sống cho người dân. Từ chỗ chỉ biết làm nông nghiệp, giờ đây người dân Bình Liêu còn biết làm du lịch để nâng cao thu nhập, điều mà trước đây ít ai dám nghĩ tới.
Tích cực đổi mới phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", từ năm 2012, Quảng Ninh đã chủ động xúc tiến xây dựng các tuyến cao tốc trên cơ sở tự lực tự cường, huy động nguồn lực xã hội hóa theo mô hình đối tác công tư. Từ tuyến cao tốc đầu tiên Hạ Long - Hải Phòng khánh thành năm 2018, đến nay Quảng Ninh đang sở hữu tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài 176km, chiếm 16,8% tổng chiều dài đường cao tốc hiện có của cả nước. Đây là công trình với nhiều giá trị khác biệt, mang đậm dấu ấn của niềm tin, trách nhiệm đổi mới, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.
Từ khi đưa vào sử dụng, tuyến cao tốc này đã kết nối các trung tâm phát triển của các tỉnh thành phía Bắc tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tạo ra động lực phát triển cho cả khu vực phía Bắc. Đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho những địa phương biên giới, miền núi của tỉnh.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, trong 10 năm qua tỉnh đã khánh thành, đưa vào sử dụng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; Cầu Tình yêu nối đôi bờ cửa Lục, tạo dư địa mới cho TP thủ phủ Hạ Long phát triển. Mới đây nhất (ngày 1/3/2023), Bến cảng cao cấp Ao Tiên (huyện Vân Đồn) chính thức đưa vào khai thác với 2 cầu chính rộng 20m, dài 15m có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế và 3 cầu phụ cho du thuyền và các tàu loại nhỏ.
Một loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, như tuyến đường tốc độ cao ven sông nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều; các dự án hạ tầng kết nối vùng với TP Hải Phòng, như Cầu Rừng, Cầu Lại Xuân, đường nối từ QL279 đến trung tâm thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang), đường 342 từ TP Hạ Long qua Ba Chẽ nối đến tỉnh Lạng Sơn… Đây đều là những công trình đa năng, lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo yêu cầu xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, tạo thế liên hoàn, vững chắc, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng - an ninh khi có tình huống.
Bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, nhiều giải pháp đột phá trên tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, nhất là trong thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trong 10 năm qua đã giúp Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khu vực phòng thủ tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Giai đoạn 2011-2015, tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, bình quân 9,2%/năm; trong 7 năm liên tiếp (2016-2022), Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, GRDP bình quân đầu người tăng từ 6.700 USD (năm 2020) lên 8.200 USD (năm 2022), cao nhất so với các tỉnh phía Bắc. Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2022 đạt trên 420.000 tỷ đồng; thu nội địa đạt gần 290 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 12,2%/năm, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng, đứng thứ 7 cả nước và gấp 2,35 lần năm 2015.
Hết năm 2022, Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, về đích trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang thực hiện nhiệm vụ xóa nghèo theo chuẩn nghèo mới của tỉnh, cao hơn mức của cả nước. Qua điều tra xã hội học, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng tăng từ 73,3% (năm 2016) lên 93,4% (năm 2022).
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()