Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:19 (GMT +7)
Quảng Ninh quyết liệt triển khai công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 3, 31/08/2021 | 20:03:09 [GMT +7] A A
Ngày 31/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp chuyên đề nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ, hiệu quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì. Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến các địa phương.
Năm 2021, trong bối cảnh chịu nhiều tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh vừa tập trung nỗ lực giữ địa bàn an toàn, vừa tập trung phát triển KT-XH, trong đó tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo để bù vào lĩnh vực du lịch dịch vụ bị ảnh hưởng, tăng trưởng âm và ngành khai khoáng gặp khó khăn về tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm. Và tỉnh cũng xác định phải tập trung vào đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở đã hết sức quan tâm, tập trung lãnh đạo chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong điều kiện đối diện với nhiều khó khăn, nhưng đến ngày 30/8/2021, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2021 là 16.654 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh so với kế hoạch giao từ đầu năm là 67%, cao hơn so với năm 2020. Nhìn chung nguồn lực phân bổ tập trung cho đầu tư, đảm bảo nhu cầu vốn cho các nhiệm vụ chi, nhất là đối với các dự án quan trọng và động lực. Đến nay các công trình động lực của tỉnh đều không có nhu cầu bổ sung thêm vốn, mà tập trung giải ngân số vốn đã bố trí kế hoạch đầu năm.
Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng kế hoạch vốn ngân sách tỉnh quản lý đến ngày 30/8 là 9.908 tỷ đồng, trong đó, vốn tập trung vào các công trình trọng điểm với tổng số vốn đã phân bổ chiếm 81,6%. So với kế hoạch giao vốn đầu năm, tiến độ giải ngân vốn ngân sách tỉnh đạt 75%. Đến nay vẫn còn 1 số chủ đầu tư giải ngân thấp dưới 60% như Ban xây dựng nông thôn mới, UBND TX Đông Triều, Cô Tô, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp... Một trong những nguyên nhân là việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư của các chủ đầu tư còn chậm.
Đối với ngân sách cấp huyện, đến nay tỷ lệ giải ngân mới đạt 50%, cùng kỳ năm 2020 là 45,2%. Trong đó có một số địa phương có tỷ lệ giải ngân ngân sách huyện thấp như Cẩm Phả, Móng Cái, Cô Tô, Hải Hà, Hạ Long, Tiên Yên, Đông Triều. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 ngay từ đầu năm nên tiến độ thu tiền sử dụng đất, nguồn vốn cho thuê mặt đất mặt nước của các địa phương còn bị chậm; do đó gây ảnh hưởng đến cân đối kế hoạch vốn đã bố trí cho các dự án, cũng như tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân....
Thống nhất với các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, tỉnh luôn xác định đầu tư công là một trong những trụ cột tăng trưởng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh.
Từ năm 2020 tới nay, tỉnh đã tập trung khắc phục cơ bản đầu tư dài trải, manh mún để tập trung cho các dự án, công trình chiến lược. Với những kinh nghiệm đã có, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2021 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV liên quan tới khâu đột phá về đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, tỉnh đã tập trung vào các công trình trọng điểm, tạo sức lan tỏa to lớn về xã hội cả trước mắt và lâu dài như cầu Cửa Lục 1, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả… Tới nay, nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển của tỉnh.
Mặc dù các sở ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, tới nay, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng so với điều kiện rất lợi thế và cơ hội có được khi Quảng Ninh là địa phương vẫn giữ được địa bàn an toàn về dịch bệnh. Cùng với đó là những nguyên nhân khách quan như do mưa nhiều, giá nguyên vật liệu tăng cao.
Trên cơ sở chỉ rõ tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: tỉnh Quảng Ninh xác định quan điểm đầu tư công là một trong những trụ cột đảm bảo tăng trưởng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay của cả hệ thống chính trị, vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động; bù đắp cho ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như dịch vụ du lịch, khai khoáng. Đồng thời, chuẩn bị để tỉnh Quảng Ninh bước vào giai đoạn phát triển tới đây; tập trung vừa nâng cao tỷ lệ giải ngân nhưng phải đi liền với đảm bảo chất lượng công trình, khối lượng hoàn thành và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và không quên đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn lao động, trong đó có cả an toàn về dịch bệnh.
Quảng Ninh quyết tâm không thay đổi mục tiêu, phấn đấu chậm nhất ngày 1/1/2022, khánh thành 3 công trình: đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất với đề xuất với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, đối với các dự án đã được giao kế hoạch vốn đầu năm, đến 30/9 phải giải ngân 100% kế hoạch vốn. Đối với các dự án công trình trọng điểm, đến 30/9 giải ngân 80% kế hoạch vốn và đến 31/12 là 100% kế hoạch vốn.
Thực hiện mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị phải tập trung chỉ đạo điều hành có trọng tâm, trọng điểm; làm việc dứt điểm, đo lường được kết quả cụ thể. Ưu tiên cao nhất công tác chỉ đạo điều hành cho nhiệm vụ này cùng với các mục tiêu khác để Quảng Ninh tiếp tục là địa phương đi đầu trong giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ 3 – lấy vốn đầu tư công là vốn mồi kích hoạt, huy động nguồn vốn khác; tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, chủ đầu tư; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền các địa phương chịu trách nhiệm cấp trên về giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh rà soát, phân cấp ủy quyền cho UBND cấp huyện trong một số thủ tục để tăng trách nhiệm và tăng nhanh tiến độ thực hiện. Bên cạnh Tổ công tác của UBND tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ phân công cụ thể lãnh đạo tỉnh gồm Thường trực 3 bên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Tỉnh ủy viên liên quan chỉ đạo việc giải ngân và giải quyết khó khăn vướng mắc với các dự án.
Nhấn mạnh đến các giải pháp cụ thể, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: Đối với nguồn vốn chưa phân khai của tỉnh, thống nhất căn cứ vào Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung cho một số công trình đã hoàn thành thủ tục có khả năng giải ngân ngay để động lực cho đồng bào vùng cao, biên giới, hải đảo.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, kế hoạch hoàn thành từng dự án động lực đã được xác định về tiến độ hoàn thành gồm cả dự án động lực, dự án cấp tỉnh, cấp huyện. Trong đó ở cấp tỉnh, tập trung vào 3 công trình: cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, cầu Cửa Lục 1, đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả và 10 công trình đã được xác định trong cả nhiệm kỳ theo tinh thần chủ đầu tư cam kết tiến độ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh theo các mốc thời gian 30/9 và 31/12; Bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện cũng phải cam kết về trách nhiệm với tỉnh.
Đối với các dự án mà có chủ trương phải hoàn thành trong năm 2021, tập trung chỉ đạo quyết liệt, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nâng cao năng lực thi công của các nhà thầu cả về trang thiết bị và nhân lực, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn để đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng hoàn thành. Đối với dự án chuyển tiếp và hoàn thành sau năm 2021 và khởi công mới trong năm 2021 thì đẩy nhanh tiến độ, giải phóng mặt bằng, tăng cường đôn đốc nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc để đạt khối lượng lớn nhất. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả đầu tư.
Kiên quyết cắt giảm điều chuyển kế hoạch vốn năm 2021 và kế hoạch vốn của các dự án chuyển nguồn từ năm 2020 mà không đạt tiến độ theo các mốc thời gian quy định. Cụ thể, đến 31/12/2021 các ngành, địa phương nào không giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, các dự án không rơi vào trường hợp bất khả kháng thì không được kéo dài sang năm 2022 và sẽ bị cắt giảm vốn đầu tư công trung hạn tương ứng với số vốn không giải ngân hết và sẽ bị hủy dự toán theo quy định hiện hành.
Tập trung hoàn thiện các hồ sơ thanh toán theo quy định, các chủ đầu tư cần khẩn trương nghiệm thu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày khối lượng được nghiệm thu để làm thủ tục ngay Kho bạc nhà nước, không để dồn thanh toán vào cuối năm, không để nợ đọng xây dựng cơ bản vào cuối năm.
Thực hiện nghiêm quy định về thu hồi và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng Thông tư 52 của Bộ Tài chính. Kho bạc nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện nghiêm chế độ quản lý, báo cáo, kiểm soát báo cáo tình hình quản lý vốn đầu tư theo quy định, kịp thời báo cáo UBND tỉnh, UBND cấp huyện chỉ đạo, xử lý các chủ đầu tư, dự án vi phạm quy định tạm ứng, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư kết hợp với tăng cường giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu gắn với kết quả giải ngân vốn đầu tư công và số dư tạm ứng vốn đầu tư quá; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân gây chậm chễ, chưa sâu sát. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong đầu tư công; nâng cao trách nhiệm đạo đức công chức và đạo đức công vụ, Hàng tuần công khai kết quả và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cổng thông tin điện tử tỉnh; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng tiến độ chất lượng. Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm tiến độ, vi phạm chất lượng công trình, chậm nộp thủ tục thanh quyết toán khối lượng và vi phạm các điều khoản đã ký kết; thay thế nhà thầu năng lực yếu.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là vốn kéo dài, vốn chuyển tiếp hoàn trả khối lượng tạm ứng, đảm bảo hiệu quả đầu tư công, tiết kiệm đúng quy định của pháp luật. Trước ngày 20 hàng tháng, chủ đầu tư phải báo cáo tình hình thực hiện và kết quả giải ngân đối với UBND các cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin. Trước 25 hàng tháng, UBND tỉnh tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gửi lời hỏi thăm ân cần sâu sắc tới toàn thể các chuyên gia, các kỹ sư, công nhân lao động trên các công trình lao động tại các dự án đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh. Kể từ khi có dịch đến nay hàng nghìn kỹ sư, công nhân lao động đã không về với gia đình, ở lại Quảng Ninh đón Tết Nguyên đán Tân Sửu, không về quê dịp 30/4 và 1/5. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ mong muốn và kêu gọi dịp nghỉ lễ 2/9 vì sức khỏe an toàn của bản thân, gia đình, cộng đồng và đóng góp vào phòng, chống dịch bệnh, các chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động tiếp tục không rời khỏi tỉnh để thi đua lao động sản xuất. Trong ngày 2/9, tỉnh Quảng Ninh chính thức phát động tổ chức triển khai đợt thi công cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1 để tạo khí thế thi đua trong toàn tỉnh về lĩnh vực đầu tư công.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()