Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:44 (GMT +7)
Quảng Ninh quyết tâm chấn chỉnh môi trường kinh doanh du lịch
Chủ nhật, 15/07/2012 | 04:50:01 [GMT +7] A A
Đây cũng chính là một trong những vấn đề “nóng”, nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của ngành du lịch trong những tháng cuối năm để tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh du lịch không lành mạnh xảy ra trong thời gian qua nhằm xây dựng một môi trường du lịch văn minh...
Vào đầu tháng 7 vừa qua, tại Hà Nội, chủ trì trong một cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch bàn về các vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ để tiếp tục phát triển du lịch trong năm 2012 và những năm tiếp theo, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh việc các Bộ: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Công an, Giao thông vận tải, Công thương và UBND các tỉnh, thành phố có các trung tâm du lịch lớn phải có ngay biện pháp và hướng xử lý nhằm chấn chỉnh tình trạng lừa đảo, “taxi dù” ở sân bay, bến cảng, tình trạng ăn xin, chèo kéo, ép khách mua hàng hoá, dịch vụ, tình trạng tăng giá dịch vụ quá mức vào các thời kỳ cao điểm và nạn móc túi, cướp giật tài sản của khách du lịch... |
Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với môi trường kinh doanh du lịch tại các điểm kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai Chỉ thị tới các ban, ngành, địa phương liên quan, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm điểm, đánh giá công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn, xây dựng kế hoạch biện pháp cụ thể phù hợp với từng địa phương để khắc phục, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch. Đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý môi trường, các đoàn kiểm tra liên ngành tại các địa phương, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất thường xuyên liên tục trong năm, không để xảy ra tình trạng bán hàng rong, hàng giả, hàng kém chất lượng, bán hàng không niêm yết giá, ăn xin, cò mồi, đeo bám khách du lịch, lấn chiếm vỉa hè.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn của tàu du lịch và tàu chở khách tại Bến Do, TP Cẩm Phả. Ảnh: CẨM NANG |
Đối với các điểm, khu du lịch tập trung đông người, phải cử tổ thường trực để kiểm tra, ngăn chặn các hiện tượng trên; xây dựng các đường dây nóng, kịp thời giải quyết các khiếu kiện của du khách; tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục. Trong quá trình triển khai, các địa phương chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng nhằm tăng cường công tác quản lý kinh doanh du lịch. Đối với các ban, ngành của tỉnh, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức các biện pháp triển khai cụ thể để tăng cường công tác quản lý đối với môi trường kinh doanh du lịch… UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh tuỳ theo nhiệm vụ, chức năng được giao thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác quản lý đối với môi trường kinh doanh du lịch.
Thực hiện Chỉ thị 11/CT-UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan đã đồng loạt vào cuộc. Cụ thể, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã xây dựng và công bố đường dây nóng để giải quyết khiếu nại của du khách tại các trung tâm tập trung đông khách du lịch, nhà hàng, khách sạn… Bên cạnh đó, Sở cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các vấn đề về môi trường du lịch trên địa bàn. Riêng TP Hạ Long, trung tâm du lịch của tỉnh, đã tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng để có biện pháp quản lý. Thành phố cũng đã thành lập Ban chỉ đạo quản lý môi trường kinh doanh du lịch trên địa bàn. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra về thực hiện niêm yết giá, kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại các khu, điểm du lịch, cảng tàu du lịch vào các dịp cao điểm, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch và khu vui chơi giải trí. Đặc biệt, tại các phường trung tâm của thành phố đều thành lập các đội chuyên trách, đội này có chức năng làm công tác trật tự đô thị, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các hiện tượng bán hàng rong, ăn xin, ăn mày, đeo bám du khách… Đối với các điểm tham quan du lịch của TP Móng Cái, công tác kiểm tra các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên, khách sạn, nhà nghỉ, cửa hàng lưu niệm đã được địa phương quan tâm, chú trọng. Bước đầu đã kịp thời xử lý những vi phạm, chấn chỉnh tình trạng chèn ép giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với các địa phương, các sở, ngành liên quan cũng đã xây dựng kế hoạch, triển khai các giải pháp cụ thể tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã xây dựng kế hoạch chi tiết tuyên truyền phòng chống các tệ nạn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh... Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương cũng đã chỉ đạo 2 đội quản lý thị trường thường trực tại khu du lịch Bãi Cháy và trên Vịnh Hạ Long để kiểm tra, xử lý các vi phạm và công bố số điện thoại của cán bộ thường trực để kịp thời giải quyết các vụ việc đột xuất v.v..
Với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành hữu quan, các địa phương cùng với những biện pháp mạnh đã đề ra, Quảng Ninh kiên quyết chấn chỉnh lại trật tự trong kinh doanh du lịch nhằm tạo một môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh, mãi là điểm đến thân thiện, an toàn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Hương Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()