Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 12:18 (GMT +7)
Quảng Ninh quyết tâm nâng điểm Chỉ số Xanh cấp tỉnh
Thứ 6, 21/06/2024 | 15:40:22 [GMT +7] A A
Năm 2023, Quảng Ninh vươn lên đứng đầu bảng Chỉ số Xanh (PGI) cấp tỉnh. Để có được thành quả đó, trong suốt hành trình phát triển, Quảng Ninh xác định luôn gắn phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững. Đã có rất nhiều giải pháp được các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, người dân triển khai thực hiện hiệu quả góp phần thay đổi hành vi của cả cộng đồng.
Năm 2023, Quảng Ninh có Chỉ số Xanh cấp tỉnh cao nhất cả nước với tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là 26 điểm, với các điểm thành phần gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (7,41 điểm); đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu (6,18 điểm); vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh (6,68 điểm); chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (5,73 điểm). Đáng chú ý, 4/4 chỉ số thành phần đều tăng điểm so với năm 2022.
Để có được thành tích đó, trong suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội xanh bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, thực hiện ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường. Cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; chủ động và tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập. Hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ít phát thải. Hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng không phát triển thêm các nguồn nhiệt điện than, bổ sung vào đó là các nguồn điện gió, điện khí, điện rác, điện mặt trời… Tỉnh đã áp dụng thực hiện nội dung bảo vệ môi trường vào các nhiệm vụ quy hoạch, dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, trong những năm qua, ngành than, mà trọng điểm là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam đã tăng cường các giải pháp nhằm gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Trung bình mỗi năm gần đây, Tập đoàn TKV đã dành khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào việc hoàn nguyên các bãi thải mỏ, đầu tư kè, đập chắn bãi thải; đầu tư băng tải thay thế vận chuyển than bằng ô tô, hệ thống phun sương dập bụi; trạm xử lý nước thải mỏ, dừng hoạt động các cơ sở sản xuất gần khu dân cư, điển hình là dừng hoạt động của Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng....
Thực hiện quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”, tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xúc tiến huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; khuyến khích tăng cường sử dụng vật liệu thay thế để làm chất đốt trong sản xuất Clinker, xi măng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 công ty xi măng gồm: Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, Công ty CP Xi măng Hạ Long đã sử dụng rác thải, trong đó có rác thải nhựa làm chất đốt để thay thế một phần nhiên liệu than, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2. Tỉnh đặt ra lộ trình phấn đấu đến năm 2025 chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng NInh.
Cùng với đó, trước định hướng phát triển là sản xuất sạch, an toàn, hiệu quả, Quảng Ninh đặt ra lộ trình đến năm 2025 sẽ chấm dứt khai thác, đóng cửa toàn bộ mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường để hoàn nguyên môi trường. Quảng Ninh không gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đá đã hết hạn.Tỉnh cũng đã đầu tư lắp đặt 157 trạm quan trắc môi trường tự động để kiểm soát chất lượng môi trường; qua đó giúp môi trường nước, không khí của Quảng Ninh được cải thiện rõ rệt.
Cũng nhằm nâng cao công tác bảo vệ môi trường, trong có môi trường sinh thái, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước ban hành các quy định và triển khai các giải pháp quyết liệt trong quản lý khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE. Qua đó, khẳng định quyết tâm của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường biển để phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch bền vững.
Là địa phương ven biển, nơi có Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và rất nhiều khu du lịch biển đảo nổi tiếng, vấn đề bảo vệ môi trường trước hết được gắn bó mật thiết với sự phát triển của ngành kinh tế mũi nhọn này tại Quảng Ninh. Các sản phẩm du lịch xanh thân thiện với môi trường đã phát triển đa dạng hơn, như mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, sinh thái ở Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái…Các mô hình du lịch thân thiện với môi trường này không những mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách, mà còn góp phần phát huy những giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững cho địa phương. Trước xu hướng du lịch biển đảo phát triển nhanh chóng đi liền với nguy cơ ô nhiễm môi trường, huyện Cô Tô và Vân Đồn cũng đã tiên phong thí điểm xây dựng “Huyện đảo không rác thải nhựa”, yêu cầu du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi đi du lịch tại huyện đảo này, đảm bảo giữ gìn cảnh quan và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.
Để các kế hoạch, quyết định, chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, ý thức và hành động của cộng đồng là yếu tố quyết định. Trong nhiều năm qua, các địa phương trên toàn tỉnh đã triển khai nhiều phong trào, mô hình bảo vệ môi trường và phát động đến từng thôn, khu; đặc biệt là phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Giảm thiểu rác thải nhựa” đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân Mô hình 3R - phân loại rác tại nguồn được đẩy mạnh tại nhiều nơi, mang lại hiệu quả trong công tác thu gom rác thải trên địa bàn. Các mô hình tại thôn, khu dân cư như "Tổ phụ nữ thu gom rác thải", "HTX thu gom rác thải" cũng giúp cho người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...Các mô hình xã, thôn, vườn kiểu mẫu cũng được xây dựng rộng khắp với những tuyến đường hoa, hàng cây bóng mát...đã góp phần tạo sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người dân về việc giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn, làm cho môi trường nông thôn trở lên xanh hơn, sạch hơn.
Nhằm thực hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững song hành với bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu cả nước về PGI, hướng tới mục tiêu tăng dần tổng điểm qua từng năm. Trong đó, năm 2024, tổng điểm phấn đấu được cải thiện từ 26 lên 30 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2023 và tiếp tục tăng cho các năm tiếp theo. Đối với 4 chỉ số thành phần ưu tiên tập trung cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 2 chỉ số thành phần là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thiên tai, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu. Để hoàn thành được mục tiêu này, các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động nghiên cứu sâu các chỉ số, chỉ tiêu thành phần PGI do ngành mình được phân công phụ trách; học tập, nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố có điểm số cao, cách làm hay để xây dựng kế hoạch cải thiện từng chỉ số thành phần nhằm tăng thứ hạng và tăng điểm số đạt được trong năm 2024. Tổ chức quán triệt thường xuyên, thực chất; phân công rõ, thống nhất, đồng bộ cán bộ đầu mối, phối hợp trong triển khai công tác tham mưu, công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
Ngọc Khôi
Liên kết website
Ý kiến ()