Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:33 (GMT +7)
Quảng Ninh quyết xóa sổ phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Thứ 6, 25/06/2021 | 07:49:57 [GMT +7] A A
Trên địa bàn tỉnh hiện nay, hầu hết các cơ sở và ngư dân nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng lồng bè đều sử dụng vật liệu nổi bằng phao xốp là chính. Về lâu dài khi sử dụng phao xốp sẽ tác động lớn đến vấn đề rác thải và môi trường vùng biển. Bởi vậy để sớm giải quyết tình trạng này, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 1/1/2022 sẽ xóa sổ phao xốp trong NTTS. Tuy nhiên, quá trình triển khai thay thế phao xốp tại các địa phương đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ kịp thời…
Hướng đi cần thiết trong bảo vệ môi trường biển
Thực tế tại các vùng NTTS như: Huyện Vân Đồn, TP Cẩm Phả, TX Quảng Yên… hầu hết đều sử dụng phao xốp và một số phao không có nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường. Việc sử dụng phao xốp NTTS trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng gia tăng nhiều trong thời gian gần đây do vật liệu này giá rẻ, dễ mua. Hiện, toàn tỉnh có khoảng trên 10 triệu quả phao xốp dùng trong NTTS.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành nông nghiệp, phao xốp có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình từ 2-3 năm. Khi tác động của thời tiết mưa bão sẽ phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng hệ sinh thái, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Theo báo cáo của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hằng năm các đơn vị thu dọn khoảng 2.000 tấn rác từ Vịnh Hạ Long, trong đó có khoảng 2/3 lượng rác là phao xốp, tre, nứa từ NTTS.
Nhằm sớm giải quyết vấn đề rác thải, đặc biệt là phao xốp trong hoạt động NTTS, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh. Mới đây nhất, ngày 21/05/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản mặn, lợ tại Quảng Ninh. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2022, các cơ sở NTTS mặn, lợ đang sử dụng vật liệu làm phao nổi hiện có phải thực hiện xong việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo Quy chuẩn. Như vậy lộ trình thực hiện chuyển đổi sẽ sớm hơn 1 năm so với lộ trình ban đầu đã được ban hành theo Quyết định số 31. Đây được coi là giải pháp mạnh tay của tỉnh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển Quảng Ninh. Đặc biệt tính đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra quy chuẩn vật liệu nổi trong NTTS.
Đối tượng áp dụng quy chuẩn gồm: Các cơ sở NTTS lợ, mặn bằng lồng bè, giàn bè có sử dụng phao nổi; cơ sở sản xuất, nhập khẩu phao nổi, vật liệu làm phao nổi trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài để phục vụ NTTS. Quy chuẩn cũng quy định rõ về công tác quản lý; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; công tác tổ chức thực hiện; các thông tin chi tiết về phao nổi, vật liệu làm phao nổi.
Là hộ nuôi trồng thủy sản lâu năm tại khu vực đảo Phất Cờ (huyện Vân Đồn), ngư dân Nguyễn Bá Bính sớm nhận thấy tác động bất lợi từ phao xốp đến hoạt động NTTS, nhất là đối với nuôi nhuyễn thể, vì vậy khi được chính quyền tuyên truyền việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật cuối năm 2020, ông Bính đã mạnh dạn chuyển được 2ha nuôi thủy sản từ vật liệu phao xốp sang nhựa HDPE đã được công bố hợp quy. Đây là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng nhựa HDPE để NTTS.
Ông Nguyễn Bá Bính cho biết: Việc sử dụng phao xốp trong NTTS của ngư dân Vân Đồn khá phổ biến bởi giá thành rẻ, dễ tìm kiếm trên thị trường. Tuy nhiên dưới những khắc nghiệt của sóng, gió và sự ăn mòn của nước biển, phao xốp bộc lộ rõ những yếu điểm. Đó là chỉ sau khoảng 2 năm sử dụng, các mối liên kết bên trong phao bị vỡ, xốp bên trong thất thoát ra môi trường nhất là sau mỗi trận bão. Sau thời gian sử dụng vật liệu nhựa HDPE thay thế phao xốp cho thấy vật liệu này rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét. Việc chuyển đổi sang NTTS bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường hơn, hạn chế bị ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh. Đây thực sự là hướng đi cần thiết và đúng đắn.
Theo kết quả rà soát của Sở NN&PTNT tính đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 1ha (trên 50 cơ sở NTTS đầu tư hơn 100 ô lồng sử dụng lồng nuôi làm bằng ống HDPE) tập trung chủ yếu tại: Vân Đồn, Đầm Hà, Cẩm Phả. Đây là loại vật liệu thân thiện môi trường, có độ bền hơn 10 năm, có khả năng chịu được va chạm và sóng gió. Ngoài ra, các cơ sở, hộ NTTS đã đầu tư 64.197 chiếc phuy nhựa tái sử dụng làm phao nổi nuôi cá lồng bè và làm bè nuôi hàu có độ bền cao hơn xốp, phần nào giảm thiểu ảnh hưởng trên biển. Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi thay thế vật liệu nổi trong NTTS, các loại vật liệu đã được cơ quan có thẩm quyền công bố hợp quy còn khá chậm. Trong khi đó, thời gian thực hiện chỉ còn hơn 6 tháng nữa sẽ là hạn chót để các hộ NTTS chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Tính riêng năm 2020, tổng diện tích NTTS toàn tỉnh đạt 21.303ha, trong đó có trên 5.488ha (nuôi cá biển trên 1.400ha; nuôi nhuyễn thể gần 4.000ha) diện tích phao xốp đang được sử dụng để NTTS; có khoảng 2.500 cơ sở NTTS sử dụng hơn 10 triệu phao xốp. Trong hơn 5.488ha diện tích phao xốp đang được sử dụng để NTTS có tới hơn 2.575ha diện tích NTTS bằng phao xốp nằm ngoài quy hoạch (chiếm gần ½ diện tích). Việc chậm trễ trong việc quy hoạch vùng NTTS tập trung và giao cho thuê mặt nước đang gây không ít khó khăn đến lộ trình thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi thân thiện, đảm bảo quy chuẩn tại một số địa phương.
Điển hình như tại huyện Vân Đồn, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản của địa phương đang sử dụng hơn 4.250ha, với 1.392 tổ chức, cá nhân tham gia. Trong đó có trên 1.000 cơ sở đang sử dụng khoảng hơn 9 triệu quả phao xốp để nuôi. Tuy nhiên, hiện nay mới có 436 cơ sở/hộ gia đình được giao cho thuê mặt nước. Toàn huyện có tới 1.696ha diện tích NTTS bằng phao xốp nằm ngoài quy hoạch.
Tương tự tại TX Quảng Yên không có quy hoạch của tỉnh về NTTS, nhưng qua thống kê sơ bộ có trên 400 hộ dân NTTS bằng lồng bè với hơn 869ha; trên 830 lồng, bè sử dụng vật liệu phao xốp. Hầu hết khu vực NTTS trên địa bàn TX Quảng Yên đều nằm trong phạm vi nghiên cứu các dự án lớn đã được địa phương phê duyệt quy hoạch chung và các khu quy hoạch phân khu như: Hạ Long Xanh, khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, khu công nghiệp Nam Tiền Phong vì vậy việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn.
Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế TX Quảng Yên cho biết: Triển khai việc chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn địa phương đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền đến các hộ dân tuy nhiên đến nay, địa phương đang gặp vướng mắc lớn chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu, đa số hộ dân NTTS mang tính tự phát; đầu tư manh mún, nhỏ lẻ; địa phương không có quy hoạch của tỉnh về NTTS dẫn đến người dân tự ý chiếm dụng mặt biển trái phép để NTTS, gây khó khăn trong quản lý. Hiện, Quảng Yên đã kiến nghị với Sở NN&PTNT có cơ chế đặc thù để chuyển đổi cho phù hợp và nhất là trong giai đoạn việc nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm đang gặp khó khăn do Covid-19.
Nhiều hộ NTTS khu vực Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả cũng cho biết, từ nhiều năm nay thói quen người dân sử dụng phao xốp trong NTTS nên tâm lý vẫn còn tâm lý e ngại chuyển đổi và sử dụng vật liệu làm phao nổi phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy chuẩn. Bên cạnh đó, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các mặt hàng thủy sản (chủ yếu hàu) tiêu thụ giảm mạnh (Trung Quốc tạm ngừng nhập sản phẩm hàng hóa) dẫn tới thu nhập của các hộ NTTS bị giảm theo. Trong khi đó, chi phí lắp đặt vật liệu nhựa HDPE cao gấp 1,5 lần so với phao xốp nên nhiều hộ dân thiếu kinh phí để chuyển đổi. Để người dân có thể thay thế từ phao xốp sang vật liệu mới này, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi vì chi phí ban đầu khá lớn. Hiện 1 ô lồng có diện tích khoảng 9m2, nếu sử dụng vật liệu phao, xốp chi phí khoảng 7-8 triệu đồng, nhưng nếu là nhựa HDPE thì lên tới 20 triệu đồng.
Hiện nay, Sở NN&PTNT đang tăng cường hoạt động kết nối giữa các đơn vị sản xuất, cung ứng vật liệu nổi hợp quy với địa phương để cung cấp danh mục, chủng loại, vật liệu, giá cả thông tin rộng rãi cho người dân nắm bắt để lựa chọn đầu tư phục vụ sản xuất.
Đồng thời phối hợp với các địa phương đề xuất tháo gỡ khó khăn trong việc giao, cho thuê mặt nước biển, bãi triều qua đó đảm bảo quản lý nhà nước và thực tế sử dụng diện tích nuôi trồng của người dân. Song song với việc hướng dẫn người dân chuyển đổi phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường thời gian tới, các địa phương sẽ phối hợp lực lượng chức năng tổ chức ra quân kiểm tra và xử lý vi phạm sử dụng vật liệu nổi trong NTTS không đảm bảo theo quy chuẩn.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()