Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:54 (GMT +7)
Sẽ phát triển nhân rộng 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ 2, 17/01/2022 | 13:45:48 [GMT +7] A A
Ngày 31/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 2263/QĐ-TTg về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh, đây là tiền đề quan trọng để nhân rộng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong thời gian tới. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT (ảnh) về nội dung này.
- Xin ông cho biết về quy mô và định hướng phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh?
+ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh được xây dựng tại xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều, với tổng diện tích tự nhiên là 106ha. Khu nông nghiệp công nghệ cao này địa giới không quá lớn về diện tích, nhưng đáp ứng được việc ứng dụng KHCN hiện đại vào sản xuất nông nghiệp với chất lượng nông sản cao, thương phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thương trường trong nước và quốc tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế, hiện nay Tập đoàn Vingroup đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới, nhà kính trồng các loại rau, củ, quả theo quy trình VietGAP tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh. Các mô hình đều ứng dụng tiến bộ KHKT công nghệ cao và áp dụng quy trình sản xuất tự động hoàn toàn từ tưới nước, bón phân, đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm.
Dựa trên điều kiện thực tế sẵn có, thời gian tới sẽ thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực: Trồng trọt, bảo quản, chế biến nông sản (rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh), sản xuất chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng cho cây trồng. Đồng thời, mở rộng phát triển thêm các hoạt động tham gia đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp cho tỉnh, vùng và cả nước...
- Với lợi thế là một trong những vùng có điều kiện sản xuất nông nghiệp đa dạng, Quảng Ninh sẽ phát triển và nhân rộng nông nghiệp công nghệ cao như thế nào, thưa ông?
+ Quảng Ninh có tiềm năng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn. Không những thế, Quảng Ninh còn được ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với nhiều đặc điểm riêng biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh của tỉnh, như có điều kiện phát triển dịch vụ thương mại, vận tải giữa Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN, các nước Đông Bắc Á thông qua các cửa khẩu.
Những năm qua, Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong cả nước về phát triển Chương trình OCOP. Hiện tỉnh đang tích cực, chủ động cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong điều kiện đất đai dần bị thu hẹp, trong đó tập trung cho sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, qua đó phát triển kinh tế nông nghiệp trở thành trụ cột trong kinh tế nông thôn.
Đặc biệt, xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với sản xuất và liên kết chuỗi tiêu thụ là xu thế tất yếu sắp tới sẽ được tỉnh ưu tiên nhân rộng tại các địa phương. Hiện tại, Sở NN&PTNT đang xây dựng 2 đề án trình tỉnh và các bộ, ngành Trung ương xem xét thành lập thêm 2 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại Đầm Hà và Khu nông nghiệp công nghệ cao về chăn nuôi chế biến sữa tại Đầm Hà.
Như vậy, cùng với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vừa mới thành lập, sắp tới tỉnh Quảng Ninh sẽ có tất cả 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất 3 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Những mô hình này hứa hẹn sẽ tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đưa sản phẩm nông nghiệp Quảng Ninh tiếp tục vươn xa ra các thị trường trong và ngoài nước.
Tôi kỳ vọng trong tương lai không xa, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh sẽ tận dụng tốt cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp của tỉnh, xây dựng thành công thương hiệu nông sản sạch, an toàn và chất lượng cao. Tuy nhiên, thời gian tới, để các mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát huy hiệu quả cần phải dựa vào ba yếu tố cốt lõi: Hợp tác - liên kết - thị trường. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng phương án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; phương án phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030 định hướng đến năm 2050. Trong đó, xác định rõ các khu, vùng, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm cơ sở để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Cùng với đó, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhất. Đối với ứng dụng KHCN, cần tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, vùng ứng dụng công nghệ cao để thu hút doanh nghiệp sản xuất; các khâu sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch cũng được ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giúp kéo dài thời gian bảo quản và tăng giá trị sản phẩm.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ xúc tiến thành lập trung tâm giao dịch hàng hóa nông, lâm, thủy sản kết nối với thị trường Trung Quốc tại TP Móng Cái. Khi trung tâm này đi vào hoạt động sẽ đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của Quảng Ninh và cả nước đến rộng rãi các thị trường.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Tăng
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh
- Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Chính phủ ra quyết định thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ninh
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đầm Hà
- Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
- Hướng đến khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản
Liên kết website
Ý kiến ()