Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 07:15 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thứ 2, 04/10/2021 | 09:22:22 [GMT +7] A A
Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đã tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao hiệu quả lao động trong nông nghiệp.
Một trong những mục tiêu quan trọng được tỉnh quan tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường. Tỉnh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy việc hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao. Hiện trên địa bàn tỉnh có 2 khu ứng dụng công nghệ cao về nông nghiệp và thủy sản tại TX Đông Triều và huyện Đầm Hà đã được đưa vào hoạt động, với hệ thống khu sản xuất đầu tư đồng bộ, hiện đại, mang lại hiệu quả sản xuất cao.
Nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp đã chủ động đổi mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Tiêu biểu như: Công ty CP Thủy sản và Thương mại Hạ Long (TP Hạ Long) đầu tư hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà (ISPS), quản lý, kiểm soát chất lượng nước tự động hóa theo công nghệ Nhật Bản cho năng suất thu hoạch đạt gần 200 tấn/ha/năm, tiết kiệm chi phí gần 30%; Công ty CP Phát triển Agritech (TP Hạ Long) sản xuất giống hoa lan cao cấp bằng công nghệ invitro và kiểm soát môi trường tự động của Đài Loan, công suất đạt trên 1 triệu cây giống/năm, tiết kiệm chi phí gần 15%...
Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà (huyện Đầm Hà), Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên), Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 18 (TX Đông Triều) đã đưa công nghệ Israel vào sản xuất rau, quả, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp trong hệ thống siêu thị GO, Vinmart, Lotte; chủ động mùa vụ, giảm ảnh hưởng của thời tiết, tăng năng suất 25-30%.
Ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất, chế biến, nhân giống, lai tạo con giống, cây trồng mới, có giá trị để phát triển ngành nông nghiệp cũng được chú trọng thông qua các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở. Trong 10 năm qua, đã có gần 200 nhiệm vụ KH&CN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp được triển khai. Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ để lựa chọn giống na Đài Loan, trà hoa vàng, mai vàng Yên Tử, gà Tiên Yên, dong riềng...; hoàn thiện và ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến, nâng cao giá trị các sản phẩm thủy sản, như hàu, sứa, nước mắm...; công nghệ thụ tinh nhân tạo gà Tiên Yên, công nghệ invitro để sản xuất giống hoa lan cao cấp, công nghệ sản xuất giống sá sùng, ngán... đã góp phần giải quyết "điểm nghẽn" về nhu cầu giống, phục vụ kế hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung của các địa phương.
Đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được quan tâm. Thông qua các nhiệm vụ thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, đã hỗ trợ đào tạo 134 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho gần 3.000 hộ nông dân; các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đã hỗ trợ đào tạo được trên 10 thạc sĩ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo gần 100 cán bộ có kỹ năng chủ nhiệm, thư ký các nhiệm vụ KH&CN. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giải quyết việc làm cho nông dân và xây dựng nông thôn mới hiện nay là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian tới, các ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất, coi đây là một trong những biện pháp then chốt để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguyên Ngọc - Lâm Phong (Sở KH&CN)
Liên kết website
Ý kiến ()