Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 08:13 (GMT +7)
Chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể Omicron
Thứ 6, 07/01/2022 | 18:59:28 [GMT +7] A A
Ngày 7/1, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Văn bản số 489-TB/TU thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2.
Thời gian qua, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng chống dịch đã rất quyết liệt chỉ đạo các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; song khâu tổ chức thực hiện ở cơ sở vẫn là khâu yếu mặc dù một số việc đã có chủ trương từ rất sớm; việc kiềm chế và giảm tốc độ lây nhiễm chưa đạt yêu cầu, số ca mắc mới tiếp tục tăng nhanh so với trung bình cả nước trong những ngày gần đây. Nguyên nhân chủ yếu là do: Cấp huyện, cấp xã một số nơi khi đã chuyển sang vùng vàng, vùng cam nhưng chưa thực hiện triệt để, nghiêm túc các biện pháp hành chính, kinh tế, xã hội trong phòng, chống dịch tương ứng theo cấp độ dịch; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch chưa thường xuyên, thực hiện chưa nghiêm; ý thức, trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trong chấp hành và triển khai công tác phòng, chống dịch chưa tốt. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác sau khi đã được tiêm vắc xin, không tuân thủ đầy đủ các quy định phòng, chống dịch, nguyên tắc 5K, nhất là việc đeo khẩu trang; nhiều trường hợp F1 cách ly tại nhà không nghiêm túc chấp hành quy định cách ly dẫn tới nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người khác khi trở thành F0.
Trước tình hình số ca F0 hằng ngày trên địa bàn vẫn đang tăng nhanh; dịp Tết Nguyên đán, các hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương tại địa bàn trọng điểm kinh tế - xã hội như tỉnh ta sẽ gia tăng; việc mở lại chuyến bay thương mại quốc tế và đón khách du lịch quốc tế từ 1/1/2022 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đi du lịch Việt Nam, người Việt từ nước ngoài về đón Tết cùng với việc giao lưu, chúc Tết, thăm thân, đoàn tụ gia đình trong kỳ nghỉ Tết dài ngày cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đặc biệt, biến thể Omicron đã ghi nhận ở nước ta, trong đó có các địa phương lân cận tỉnh Quảng Ninh tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan, bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở (trạm y tế, y tế học đường) còn có bất cập trong triển khai mô hình dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, chuyên môn kỹ thuật, trong khi đó tuyến y tế cơ sở đang có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình đó, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh yêu cầu:
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; kiên định thực hiện các mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm đã được chỉ ra tại Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 18/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó lưu ý:
1.1. Mục tiêu: Khống chế, chặn đứng các ổ dịch, giảm tốc độ lây lan, phát sinh các ca F0 hằng ngày trên địa bàn tỉnh, kéo giảm dưới mức trung bình của cả nước; ngăn chặn có hiệu quả sự xâm nhập của biến thể Omicron vào địa bàn tỉnh; sẵn sàng mọi phương án ứng phó nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả với với mọi cấp độ diễn biến dịch bệnh, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” theo phương châm tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở để Nhân dân được vui Xuân, đón Tết.
1.2. Quan điểm, nguyên tắc, phương châm: (1) Tăng cường giám sát tại cộng đồng từ xa, từ sớm, từ cơ sở để phát hiện sớm tất cả các trường hợp nghi ngờ, truy vết sớm, cách ly sớm, khoanh vùng sớm, điều trị sớm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch, không để lây lan, bùng phát ra cộng đồng. (2) Tích cực, chủ động, linh hoạt thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ xa, từ sớm, từ cơ sở. (3) Trước tốc độ lây lan rất nhanh của biến chủng Omicron, bắt buộc phải “thần tốc” hơn nữa, triệt để hơn nữa trong truy vết, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm, tuyệt đối không được bỏ sót bất kỳ trường hợp F1 nào, trả kết quả nhanh nhất khi xét nghiệm RT-PCR khẳng định lại để ứng phó kịp thời, hiệu quả. (4) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ngành y tế, công an các cấp và các lực lượng liên quan, gắn với sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch, trong thực hiện nếp sống văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang,…, hạn chế tối đa đi lại, tập trung đông người, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. (5) Nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm tự phòng, tự tránh, tự bảo vệ bản thân của mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng, xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,…; khuyến khích người dân hằng ngày tự làm xét nghiệm test nhanh Covid-19 nhằm kịp thời phát hiện tất cả trường hợp nghi nhiễm, nhất là đối với biến chủng Omicron.
2. Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng tập trung triển khai một số nội dung sau:
(1) Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp đồng bộ tổ chức bộ máy trạm y tế xã, phường, thị trấn, y tế học đường bảo đảm đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong tình hình mới theo đúng chỉ đạo của Trung ương, Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Bộ Y tế trước ngày 10/1/2022.
Trạm y tế phải kết nối trực tiếp, liên thông, chặt chẽ với Trung tâm y tế cấp huyện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ về chuyên môn kịp thời, nhanh nhất; tối ưu hóa trong sử dụng nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất.
Tăng cường hơn nữa về mọi mặt cho y tế học đường bảo đảm đủ nhân lực, điều kiện cần thiết và năng lực tốt nhất đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ khác theo quy định, đặc biệt quan tâm bảo vệ học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin.
Ngành y tế phải có phương án cụ thể điều phối nhân lực y tế phù hợp bảo đảm liên thông, tổng thể, đủ năng lực xử trí hiệu quả các tình huống nảy sinh trên địa bàn. Cấp huyện, cấp xã phải có đủ trang thiết bị cần thiết, cơ sở vật chất, cơ số thuốc, test kit để ứng phó hiệu quả với các cấp độ dịch, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; trong đó cần điều phối ngay thuốc điều trị cho cấp xã bảo đảm chủ động; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân mắc Covid-19 có chỉ định dùng thuốc mà không được cấp phát thuốc kịp thời ngay từ cơ sở, nhanh nhất, sớm nhất.
(2) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các phương án, kịch bản ứng phó hiệu quả với mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra (trong đó có dự báo 10% số dân trên địa bàn mắc Covid-19) đối với từng địa phương cấp xã, cấp huyện bảo đảm cụ thể, sâu sát, khả thi, yêu cầu “6 đủ”, nhất là đủ ôxy, máy thở.
Yêu cầu chậm nhất tới ngày 15/1/2022, các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô phải bảo đảm có bồn ôxy với lượng trữ sẵn lớn để giải quyết nhu cầu phòng, chống dịch khi cần thiết. Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các địa phương, Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm đối với nội dung này.
Huy động tổng lực hệ thống chính trị, y tế, công an, quân sự, biên phòng, tình nguyện viên, tổ Covid-19 cộng đồng dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cấp xã bảo đảm tính liên thông, tổng thể, đồng bộ với tuyến huyện, tuyến tỉnh để khi cần có thể hỗ trợ tuyến cơ sở nhằm tăng năng lực ứng phó mức cao nhất. Đồng thời, khẩn trương điều chỉnh phương án phân tầng thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng về gần cơ sở nhất, gần dân nhất, sát dân nhất, bảo đảm khoa học, hợp lý; giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.
(3) Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trước biến thể mới (Omicron) của vi rút SARS-CoV-2:
Siết chặt quản lý, tăng cường giám sát tất cả các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài từ đường hàng không, đường biển, đường bộ vào Quảng Ninh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn ca F0 nhiễm Omicron xâm nhập vào địa bàn; kiên quyết không để Omicron lây lan, bùng phát trên diện rộng; phải chủ động nắm chắc thông tin từ xa, từ sớm để kiểm tra, giám sát điều kiện lưu trú của tất cả các trường hợp nhập cảnh vào địa bàn, đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định.
Đối với gia đình có người nhập cảnh từ nước ngoài về Quảng Ninh phải nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch; cấp ủy, chính quyền địa phương phải tăng cường giám sát chặt chẽ không để đi khỏi nơi cư trú, tiếp xúc với người xung quanh.
Khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là nghi ngờ liên quan đến biến thể Omicron, phải thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ, thần tốc truy vết F1, “thần tốc” xét nghiệm với quy trình kiểm soát, giám sát ở mức cao nhất, chặt chẽ nhất nhằm ngăn chặn kịp thời, không để Omicron lây lan, bùng phát trên diện rộng.
(4) Nâng cao năng lực y tế dự phòng, trọng tâm là tuyến huyện; hiệu quả y tế điều trị ở tất cả các tuyến.
Các địa phương cấp huyện, cấp xã phải tiếp tục củng cố năng lực điều tra dịch tễ, truy vết; chủ động sẵn sàng vật tư, sinh phẩm, test kit xét nghiệm bảo đảm ứng phó hiệu quả cho các tình huống nảy sinh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Việc mua sắm phải đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí. Có giải pháp căn cơ trong việc bảo đảm dinh dưỡng cho những trường hợp F0 trong ngày thường, ngày Tết chu đáo, khoa học, chi tết, cụ thể, ngay tại cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”.
Ngành y tế chịu trách nhiệm trong đánh giá, phân loại mức độ nguy cơ của người nhiễm Covid-19 để có hướng xử lý, cách ly, thu dung, điều trị phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể, đặc biệt quan tâm đối tượng bảo vệ trọng điểm là người cao tuổi có bệnh lý nền chưa tiêm vắc xin; trẻ em dưới 12 tuổi, chưa tiêm vắc xin, đang có bệnh lý nền; thực hiện nghiêm việc theo dõi, chăm sóc, điều trị các trường hợp F0 không triệu chứng, các ca bệnh nhẹ tại nhà, đảm bảo không để trở nặng mà không được theo dõi, hỗ trợ kịp thời.
(5) Tăng cường công tác truyền thông kết hợp cảnh báo, khuyến cáo cho người dân bằng các thông điệp cụ thể; nâng cao mức độ cảnh giác cao nhất trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, biến thể Omicron để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội và sinh hoạt hằng ngày nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng, tuân thủ nghiêm quy định 5K, nhất là đeo khẩu trang, khai báo y tế, quét mã QR; kết hợp với kiểm tra, giám sát, thanh tra, phát hiện, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm.
(6) Dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người không thật sự cần thiết trong dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán. MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội các cấp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tối đa hiệu quả mô hình cộng đồng dân cư tự quản theo hương ước, quy ước trong công tác phòng, chống dịch, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán; chủ động hoãn việc hỷ trong thời điểm hiện nay; tổ chức việc hiếu đơn giản, văn minh, rút ngắn thời gian tổ chức, không tổ chức ăn uống, tập trung đông người tại lễ tang, đám giỗ, cũng như các sự kiện của gia đình, cơ quan, đơn vị.
(7) Giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo dừng hoạt động các chốt kiểm soát thông tin ra, vào tỉnh; đồng thời giao các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan có trách nhiệm quản lý, sử dụng các trang thiết bị, cơ sở vật chất đã bố trí cho các chốt đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, tránh lãng phí, hư hỏng, thất thoát và sẵn sàng phương án huy động, vận hành, sử dụng ngay khi có tình huống dịch bệnh cấp thiết nảy sinh. Đối với thiết bị kiểm soát thông tin ra vào sử dụng công nghệ AI, nghiên cứu, điều chuyển cho những nơi thường xuyên tập trung đông người như các cơ sở y tế, Trung tâm Hành chính công,... để phát huy hiệu quả sử dụng, đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
PV
Liên kết website
Ý kiến ()