Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:23 (GMT +7)
Quảng Ninh trong giai đoạn trước Tổng khởi nghĩa 1945
Chủ nhật, 30/07/2023 | 10:35:43 [GMT +7] A A
Sau thời kỳ 1931-1933 bị địch khủng bố, ở Quảng Ninh các cán bộ, đảng viên còn lại rất ít nhưng được Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ quan tâm chỉ đạo, phong trào công nhân Vùng mỏ đã nhanh chóng phục hồi. Hàng loạt cuộc đấu tranh đã nổ ra mà đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn thợ mỏ tháng 11/1936. Đây được coi là sự chuẩn bị tích cực nhất cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945.
Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (tháng 9/1930), cuối tháng 12/1939, Ban Cán sự liên tỉnh B do đồng chí Tô Hiệu, Bí thư cán sự chủ trì đã họp và đề ra các nhiệm vụ mới cho cách mạng Vùng mỏ. Cụ thể là chuyển sang hoạt động bí mật, nắm chắc đầu mối liên lạc để củng cố, phục hồi và phát triển cơ sở cách mạng vùng Hòn Gai - Cẩm Phả. Muốn vậy phải phát triển cơ sở ở Quảng Yên và Uông Bí làm bàn đạp tiến vào Vùng mỏ. Tiếp tục phong trào đấu tranh ở Hòn Gai, Quảng Yên để giữ lấy những quyền lợi đã giành được trong thời kỳ trước, đồng thời rèn luyện cho quần chúng đấu tranh.
Tháng 4/1940, Tỉnh uỷ lâm thời Quảng Yên được thành lập. Những công tác cụ thể được đặt ra là đẩy mạnh phát triển cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng tại Nhà máy kẽm Quảng Yên; xúc tiến tổ chức các đoàn thể quần chúng ở Quảng Yên và vùng phụ cận, chú trọng công tác binh vận; mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho đảng viên và cán bộ cốt cán. Sau 1 tháng thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ lâm thời, ta đã gây dựng được cơ sở quần chúng ở nhiều nơi. Phong trào đang phát triển thì địch phát hiện, truy bắt gay gắt. Hai đồng chí tỉnh uỷ viên lần lượt bị bắt. Tuy nhiên, phong trào vẫn tiếp tục phát triển ở những nơi khác.
Giữa năm 1942, đồng chí Nguyễn Văn Luận (tức Trần Danh Tuyên, sau này là một trong các đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Quảng Yên, rồi Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đã liên hệ với đồng chí Đào Phúc Lộc đang bị tù ở Quảng Yên và đồng chí Đoàn Quang Thìn cũng đang bị quản thúc ở Quảng Yên để thống nhất chương trình hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Sau khi bị đưa về quản thúc ở Móng Cái, đồng chí Đào Phúc Lộc đã bắt liên lạc với Trung ương Đảng ở Đông Hưng, Quảng Tây (Trung Quốc) và được giao nhiệm vụ thành lập Mặt trận Việt Minh ở Móng Cái. Mặt trận đã phát triển ra nhiều xã Xuân Lan, Vạn Ninh, Trà Cổ, Bình Ngọc, Quất Đông… Các cơ sở Việt Minh ở các xã đã ra sức tuyên truyền vạch tội ác của Pháp - Nhật và bọn tay sai.
Cuối năm 1944, đầu năm 1945, với chính sách vơ vét, bóc lột tàn nhẫn, thực dân Pháp, rồi phát xít Nhật đã đẩy đất nước ta đến tình trạng kiệt quệ. Nạn đói xảy ra nghiêm trọng.
Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật nổ súng hất cẳng Pháp để độc chiếm Đông Dương. Tại Quảng Ninh, bọn Nhật chiếm đóng Quảng Yên, Yên Lập, Bãi Cháy, Hòn Gai, Tiên Yên, Hà Cối. Trong tình cảnh nước sôi lửa bỏng, phong trào Việt Minh dâng lên cuồn cuộn. Tại Yên Hưng, ta đã xây dựng được đội “Danh dự vũ trang”, diệt trừ nhiều tay sai gian ác. Tại Hòn Gai, Cẩm Phả, các đảng viên vượt ngục trở về đã tổ chức quần chúng, tập hợp thanh niên hướng họ đi theo cách mạng. Tại Hải Ninh, Mặt trận Việt Minh đã huy động nhân dân các xã diễu hành dọc đường phố Móng Cái biểu dương lực lượng, mít tinh hoan hô quân Đồng Minh đánh Nhật.
Sự phát triển của phong trào cách mạng, Mặt trận Việt Minh tại các địa phương là sự chuẩn bị quan trọng, tiền đề để Quảng Ninh là một trong các địa phương tổng khởi nghĩa năm 1945 sớm nhất cả nước.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()