Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:48 (GMT +7)
Quảng Ninh xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ
Thứ 2, 01/11/2021 | 08:33:49 [GMT +7] A A
Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn coi trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Hằng năm, tỉnh đều chuẩn hoá, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đội ngũ cán bộ đổi mới, phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung...
Đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng
Thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025”, căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 172-QĐ/TU ngày 7/3/2016 về việc thành lập Hội đồng điều hành công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh và phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng đào tạo tỉnh giúp Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, các đề án quan trọng, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được phê duyệt về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đảm bảo thống nhất, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5436/KH-UBND ngày 31/8/2016 về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của kế hoạch xác định rõ phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc.
Để triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên sâu, kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra 6 giải pháp cốt lõi, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh quan tâm, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ, thường xuyên làm công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ xã, phường thường xuyên có tiếp xúc, giải quyết công việc đến tổ chức, công dân.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, từ năm 2017 trở về trước, mỗi nội dung đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh được ban hành một kế hoạch riêng kèm theo một quyết định khác nhau. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, tỉnh thực hiện thống nhất ban hành các nội dung đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh trong một kế hoạch chung, gồm đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Đảng, Nhà nước và đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020” (Đề án 293) để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện cũng như trong quá trình theo dõi, quản lý, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện.
Bám sát mục tiêu, định hướng, kế hoạch, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương đã cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị mình gắn với Đề án 293, với mục tiêu hướng tới xây dựng đội ngũ nhân lực tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH trong điều kiện hội nhập.
Điển hình như tại TP Cẩm Phả, một trong những địa phương có số lượng cán bộ, công chức, viên chức đông nhất tỉnh, hàng năm địa phương đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, chi tiết cho từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, TP Cẩm Phả đã chi trên 6 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đều đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch theo đúng vị trí, chức danh đang đảm nhiệm nhằm đạt chuẩn theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cẩm Phả, cho biết: Xác định cán bộ là cái gốc của mọi công việc nên địa phương đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hàng năm, Thường trực Thành ủy đều giao cho phòng chuyên môn rà soát trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn thành phố, từ đó đề xuất kế hoạch triển khai. Trong đó, địa phương đặc biệt chú trọng đến đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường để cử đi đào tạo, bồi dưỡng các lớp, bởi ở đó có lúc, có nơi trình độ của cán bộ, công chức còn yếu về năng lực lãnh đạo, thiếu về trình độ chuyên môn trong khi lại phải thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc, giải quyết nhiều công việc liên quan đến người dân.
Đến nay, đa số cán bộ, công chức, viên chức của TP Cẩm Phả đều có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua công tác thi đua, bình xét hàng năm, trên 90% cán bộ, công chức, viên chức đều đạt mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tỉnh Quảng Ninh đã luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã chi gần 600 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương trong tỉnh để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng và trang sắm, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo.
Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được tỉnh đầu tư xây dựng mới trên diện tích 7ha tại phường Minh Thành (TX Quảng Yên), với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, tổng kinh phí xây dựng 350 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2019. Hiện Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ là một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh lớn nhất trong toàn quốc. Trung bình mỗi năm, nhà trường tổ chức được hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đều theo khung chương trình, tài liệu hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương gắn với kiến thức thực tiễn tại địa phương, đơn vị và có mời các giảng viên ở các học viện, trường đại học chuyên ngành về thỉnh giảng.
Ngoài ra, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng được quan tâm đầu tư nâng cấp, hiện trung bình diện tích mỗi cơ sở đạt từ 1.500-3.500m2 bao gồm đầy đủ thiết bị hiện đại đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn tại cơ sở.
Theo thống kê của các cơ quan, đơn vị, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 500 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước cho 141.411 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó có 41 lớp đào tạo lý luận chính trị; 41 lớp bồi dưỡng quản lý nhà nước, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý; 73 lớp bồi dưỡng ngoại ngữ; 58 lớp đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính; 276 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức được 36 lớp bồi dưỡng ở nước ngoài cho 857 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh.
Bên cạnh các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh còn cử cán bộ đi theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng dài hạn ở trong nước và nước ngoài theo hướng chuyên sâu thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; đồng thời luôn tạo điều kiện, có cơ chế khuyến khích các cá nhân tự bỏ kinh phí ra học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đơn cử như tại Sở Y tế, thực hiện nghị quyết của tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đơn vị đã thường xuyên rà soát trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh, từ đó căn cứ nhu cầu nâng cao trình độ của từng cá nhân, Sở Y tế bố trí, sắp xếp cử đi đào tạo, học tập chuyên sâu tại các trường và bệnh viện chuyên khoa lớn trên cả nước.
Đến nay, đội ngũ bác sĩ của tỉnh đều đạt trình độ chuyên khoa I, chuyên khoa II, làm chủ công nghệ, trang thiết bị hiện đại phục vụ trong công tác khám chữa bệnh và điều trị bệnh nhân. Rất nhiều các ca bệnh khó, trước đây phải chuyển tuyến trên, giờ đây đều được các y, bác sĩ của tỉnh khám, điều trị khỏi, giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến Trung ương vốn dĩ đã quá tải.
Theo thống kê, qua 5 năm thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Hiện 100% cán bộ, công chức ở cấp tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn theo quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; 90% cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về đạo đức công vụ; 85% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, 100% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 99% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị trí đảm nhiệm; 77% được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ hàng năm; 60% cán bộ, công chức xã là người dân tộc kinh công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng ít nhất một thứ tiếng dân tộc trên địa bàn công tác.
Còn đối với viên chức, đến nay 70% được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; 75% viên chức giữ chức vụ quản lý cơ bản được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm; 78% được bồi dưỡng về đạo đức nghiệp vụ, cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
Bằng nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Quảng Ninh đã xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có tư duy đổi mới, kịp thời phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong tổ chức, quản lý KT-XH, khơi thông và phát huy nhiều tiềm lực của tỉnh để phát triển.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện tỉnh đang tích cực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là căn cứ, định hướng quan trọng, là động lực cho cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ninh xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý. Qua đó góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, hệ thống chính quyền các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()