Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:26 (GMT +7)
Bài dự thi Giải báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Quảng Ninh năm 2021 Phát triển Đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân: Nhiệm vụ tất yếu
Thứ 2, 11/10/2021 | 15:39:48 [GMT +7] A A
Sau hơn 10 năm thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII “về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước (các đơn vị kinh tế tư nhân) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, so với sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp, sự phát triển của các tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên vẫn chưa tương xứng và chưa có sự bứt phá. Vậy đâu là nguyên nhân và cần có những giải pháp gì để đẩy mạnh phát triển đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới? Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Bá Hướng, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.
+ Thưa đồng chí, mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 22.000 doanh nghiệp ngoài nhà nước và đơn vị phụ thuộc, song tỷ lệ các doanh nghiệp có tổ chức đảng còn rất thấp (mới chỉ đạt 6,5%). Như vậy, có thể thấy công tác phát triển Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước của tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng với quy mô?
- Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, ngày 03/6/2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 06-CT/TU; ngày 24/10/2011 ban hành Quyết định số 451-QĐ/TU về Đề án xây dựng mô hình, phát triển tổ chức cơ sở đảng và các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015. Đến nay, toàn tỉnh đã có 43 tổ chức cơ sở đảng (27 đảng bộ cơ sở, 16 chi bộ cơ sở), 349 chi bộ trực thuộc với 5.374 đảng viên, trong đó có 7 địa phương thành lập đảng bộ, chi bộ cơ sở khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước (các đơn vị kinh tế tư nhân), với 14 đảng bộ phận, 208 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và 2.807 đảng viên (Thành ủy Hạ Long, Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; Thị ủy Quảng Yên, Đông Triều, huyện ủy Tiên Yên).
Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả tích cực; các cấp ủy trực thuộc tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị; có sự chuyển biến tích cực về nhận thực và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động và chủ doanh nghiệp, từng bước tạo sự đồng thuận, đồng thời quan tâm ủng hộ trong xây dựng, phát triển và hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể.
Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể và hầu hết đảng viên bước đầu khẳng định được vị trí, vai trò đối với sự phát triển của doanh nghiệp; tập hợp, động viên đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động chấp hành nghiêm pháp luật, thực hiện tốt nội quy, quy định của doanh nghiệp, yên tâm, hăng hái lao động sản xuất, ổn định việc làm, thu nhập, đồng thời góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống.
Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, song tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức đảng, số lượng, chất lượng đảng viên trên địa bàn tỉnh vẫn còn chưa tương xứng với quy mô phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
+ Kết quả như vậy phải chăng là do nhận thức về công tác phát triển đảng ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước của một số cấp ủy và chính bản thân các doanh nghiệp chưa thật thủ đầy đủ, sâu sắc?
- Không chỉ là vấn đề nhận thức mà còn có nhiều nguyên nhân khác nhau.
Về nguyên nhân khách quan: Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân là vấn đề lớn, khó, không chỉ tỉnh ta mà trên phạm vi cả nước.
Việc ban hành các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của các cấp ủy về công tác xây dựng Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân còn chậm, thiếu đồng bộ, một số quy định, hướng dẫn chưa phù hợp thực tế. Chế độ, chính sách còn bất cập, từ chế độ đãi ngộ với đội ngũ cấp ủy viên, chính sách quản lý đảng viên, chế độ sinh hoạt, thu nộp đảng phí...còn rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu, đổi mới, cải tiến phù hợp với công tác xây dựng đảng ở khu vực này.
Chúng ta chưa có nhiều các thiết chế văn hóa-xã hội để thu hút người lao động cư trú, sinh hoạt tập trung, để từ đó phát triển các đoàn thể, tổ chức đảng. Nhiều người lao động là người ở các địa phương khác, không có nhà ở, hợp đồng ngắn hạn, thường xuyên thay đổi việc, nên việc tuyền truyền, vận động vào Đảng gặp khó khăn, hoặc khi đã kết nạp đảng viên lại chuyển đi nơi khác.
Do không có cơ chế gắn kết việc phát triển đảng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý của doanh nghiệp, nên người lao động không có động cơ, động lực vào Đảng. Phần lớn đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân là lao động phổ thông, ít tham gia vào đội ngũ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật. Do đó, đảng viên trong khu vực này chưa thực sự tiêu biểu, uy tín và khả năng thu hút quần chúng.
Về nguyên nhân chủ quan: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng, đầy đủ nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng, chưa quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; thiếu kiểm tra, giám sát, thanh tra việc tổ chức triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của các cấp ủy về xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân.
Công tác tuyên truyền, vận động thiếu sự đầu tư, đổi mới, sáng tạo cho sát hợp với tình hình, chưa thu hút được lực lượng người lao động phấn đấu vào Đảng.
Vai trò của tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể còn mờ nhạt; chưa thực sự là cầu nối gắn bó thường xuyên, đồng hành hỗ trợ, là chỗ dựa tin cậy, đóng góp thiết thực, hiệu quả, cụ thể vào sự phát triển, ổn định của doanh nghiệp và người lao động; xác định nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, nhất là tham gia với chủ doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, các phong trào thi đua, cải tiến kỹ thuật, đổi mới khoa học công nghệ.
Một số chủ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) chưa nhận thức đầy đủ về công tác phát triển Đảng với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nên còn thờ ơ, e ngại.
+ Thưa đồng chí, kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong thời gian tới, với việc không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, Quảng Ninh sẽ thu hút lượng lớn các doanh nghiệp, hứa hẹn sự phát triển sôi động của khối kinh tế tư nhân. Vậy thì rõ ràng trong tương lai để đạt được mục tiêu mà Đảng đã để ra, chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc chúng ta cần phải thực hiện?
- Điều này là hoàn toàn đúng. Với vai trò ngày càng trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, việc đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân trở thành yêu cầu cấp thiết, vừa góp phần định hướng tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng, từ đó quy tụ, khơi dậy khát vọng, giải phóng và huy động những nguồn lực to lớn, tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những bất cập, hạn chế, yếu kém phát sinh.
Thực tế hiện nay, số lượng đảng viên sinh hoạt tại khu dân cư có xu hướng giảm dần, họ sẽ tham gia doanh nghiệp tư nhân là chủ yếu. Đồng thời, việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy biên chế cũng làm cho số lượng nguồn kết nạp đảng viên khối hành chính – sự nghiệp ít đi. Do đó, về lâu dài, Đảng muốn phát triển lực lượng cần quan tâm đến khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI. Phát triển đảng tại các đơn vị kinh tế tư nhân không chỉ là phát triển về mặt lực lượng mà còn tăng cường bản chất giai cấp của Đảng, bởi nền tảng của Đảng chính là giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
+ Từ thực tế thành lập tổ chức đảng trong đơn vị kinh tế tư nhân, đồng chí có thể đánh giá hiệu quả đối với các doanh nghiệp tư nhân khi thành lập tổ chức Đảng và phát triển đảng viên?
- Phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong khu vực kinh tế tư nhân, xứng tầm với vai trò là một trong những động lực của nền kinh tế trong thời kỳ mới, vừa đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển, vừa nâng cao bản chất giai cấp công nhân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Tạo sự thống nhất về mô hình tổ chức đảng, từng bước phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, đảm bảo các quy định của Điều lệ Đảng, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong khu vực này.
Phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân cũng nhằm hướng tới sự phát triển bền vứng của doanh nghiệp, là cơ sở tạo động lực thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng ổn định, bền vững; giúp cho doanh nghiệp thường xuyên nắm bắt diễn biến kinh tế, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và theo sát chỉ đạo từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó doanh nghiệp đưa ra những định hướng phù hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển an toàn, hiệu quả.
+ Trong công tác xây dựng Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một nhiệm vụ quan trọng đó là: “Chú trọng xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, nhất là ở khu vực ngoài nhà nước; củng cố tổ chức đảng trong các loại hình doanh nghiệp sau cổ phần hóa, các khu vực biên giới, hải đảo, nông thôn khó khăn; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng bộ Than Quảng Ninh, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Vậy để đạt được chỉ tiêu phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ thì giải pháp trọng tâm của Tỉnh uỷ Quảng Ninh là gì thưa đồng chí?
- Công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân phải thực hiện đồng bộ bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, các sơ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tử tỉnh tới cơ sở.
Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo xây dựng Đề án và Nghị quyết “Tiếp tục phát triển tổ chức đảng, đảng viên và các đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025” với các giải pháp tổng thể, tuy nhiên, có thể khái quát ở một số nội dung trọng tâm sau:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể.
Đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, kết nạp đảng viên. Việc vận động và thành lập tổ chức đảng, kết nạp đảng viên phải tôn trọng và bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp; thành lập tổ chức đảng theo quy định khi đã phát triển đầy đủ số lượng đảng viên. Ở những nơi khó khăn, cử cán bộ, đảng viên của cấp ủy cấp trên về sinh hoạt cùng với chi bộ tại doanh nghiệp, làm hạt nhân để xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên. Thành lập tổ chức đảng ở khu công nghiệp, khu kinh tế; tiếp tục củng cố, kiện toàn và thành lập đảng bộ cơ sở khối doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trực thuộc huyện, thị, thành ủy và đổi tên thành đảng bộ các đơn vị kinh tế tư nhân; tiếp tục duy trì và thành lập các chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở các doanh nghiệp có quy mô lớn (trên 100 lao động ổn định trở lên) trực thuộc cấp ủy cấp trên cơ sở; đẩy mạnh công tác phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên. Bổ sung nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng một số loại hình doanh nghiệp, khu công nghiệp cho Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh.
Tập trung củng cố, nâng cao vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong đơn vị kinh tế tư nhân. Đẩy mạnh phát triển các tổ chức đoàn thể, đoàn viên, hội viên; đổi mới nội dung, phương thức, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng hoạt động.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các đơn vị kinh tế tư nhân sản xuất, kinh doanh đi đôi với đảm bảo hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể
Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, tôn trọng doanh nhân, đưa vào đảng những doanh nhân ưu tú, có lý tưởng, nhiệt huyết.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể. Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, tổ giúp việc; quan tâm công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong đơn vị kinh tế tư nhân.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Trang - Tạ Ngoãn
Liên kết website
Ý kiến ()