Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:42 (GMT +7)
Quảng Yên chủ động phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn
Thứ 5, 06/06/2024 | 07:37:54 [GMT +7] A A
TX Quảng Yên được Trung ương xác định là một trong những khu vực trọng điểm về phòng, chống thiên tai của Quảng Ninh. Điều này xuất phát từ địa hình và địa thế sẵn có với hệ thống đê ngăn lũ, ngăn mặn, cũng như các con sông lớn, khi xảy ra giông lốc, mưa lớn, bão lũ sẽ rất khó khăn cho việc tổ chức công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) trên địa bàn.
Là địa phương ven biển với hệ thống các tuyến đê bao bọc toàn địa bàn, Quảng Yên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra thiên tai. Nhằm khắc phục những hạn chế, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thị xã đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đón đầu mùa mưa bão năm 2024.
Dự báo năm 2024 khả năng cao xuất hiện nhiều cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, trên địa bàn TX Quảng Yên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sụt lún, sạt lở đất, cũng như ngập, úng tại các công trường xây dựng, khu dân cư. Bám sát diễn biến tình hình thực tiễn về thời tiết và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, ngay từ những tháng đầu năm, UBND TX Quảng Yên và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp đề ra. Quảng Yên cũng kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách đến từng phường, xã để thống nhất công tác điều hành của ban chỉ huy các cấp.
Cùng với đó, thị xã đã xây dựng phương án và kế hoạch ứng phó thiên tai và TKCN; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án bảo vệ các tuyến đê biển, đê sông. Trong đó, xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ. Cụ thể là tuyến đê Hà Nam dài 33,67km; các tuyến đê Hoàng Tân, Hà An, Đông Yên Hưng, Hiệp Hòa, Quảng Yên - Yên Giang, sông Khoai; hồ chứa nước Yên Lập; các xã vùng thấp trũng bao gồm Tiền Phong, Liên Vị, Liên Hòa và một số khu vực đang triển khai san lấp mặt bằng thực hiện các dự án nên không còn diện tích chứa nước đệm khi có mưa lớn…
100% các địa phương chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ hiện trạng các công trình về đê điều, phòng chống lụt bão trên địa bàn; kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT-TKCN; xây dựng, cập nhật kế hoạch và phương án PCTT-TKCN theo phương châm "4 tại chỗ". Đồng thời, tổ chức làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng để đảm bảo công tác tưới, tiêu phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Các phường, xã khu vực Hà Nam tiến hành phát quang cỏ dại; chặt nhổ các cây thân gỗ mọc trên đỉnh đê, cơ đê, mái đê và các bãi đá cứu hộ dọc theo tuyến đê; sơn sửa lại các cọc biển báo trên đê.
Đầu mùa mưa bão, TX Quảng Yên đã thành lập các đoàn công tác, tổ chức đi kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi, phòng chống lụt bão trọng điểm trên địa bàn. Sau đợt kiểm tra, UBND thị xã chỉ đạo các phường, xã và cơ quan, đơn vị khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, nhằm chủ động trong công tác ứng phó với các loại hình thiên tai, mục tiêu là giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Với phương châm “4 tại chỗ”, thị xã phối hợp, hiệp đồng PCTT-TKCN với các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn và bàn giao các địa điểm tập kết bộ đội cho Sư đoàn 395, Lữ đoàn 147 tại những vị trí trọng điểm trên tuyến đê Hà Nam; huy động các loại vật tư cần thiết sẵn sàng xử lý những sự cố về đê điều, hồ đập theo phương án đã được xây dựng. Hiện toàn thị xã có hơn 2.600 rọ thép, 1.700 dây thép buộc, 6.300 bao tải, 1.500m2 vải bạt chống sóng, 10 bè cứu sinh nhẹ và nhiều loại công cụ cầm tay khác. Các bãi đá hộc dự trữ dùng để cứu hộ đê trong trường hợp khẩn cấp tại những điểm xung yếu dọc tuyến đê Hà Nam là gần 9.800m3.
Ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, cho biết: Khi có tin mưa bão xảy ra, thị xã tăng cường quản lý, kiểm soát tàu thuyền; kiểm tra, rà soát hiện trạng các khu neo đậu, đảm bảo tàu thuyền ra vào tránh trú bão thuận lợi, an toàn. Kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản, lồng bè ngoài sông. Thiết lập các kênh thông tin giữa chính quyền và chủ tàu cá, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để chỉ đạo, kịp thời thông báo và di dời người, tài sản ra khỏi vùng thiên tai. Thị xã đảm bảo các kênh liên lạc 24/24h đến các địa phương, đơn vị qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động, điện thoại vệ tinh… Đồng thời, duy trì công tác trực ban, thông báo tình hình thời tiết, thiên tai; kịp thời tổng hợp, chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn, nhất là có biện pháp giải quyết kịp thời những tình huống bất ngờ do mưa, bão gây ra.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()