Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:53 (GMT +7)
Quê hương thứ hai đầy ắp yêu thương và kỷ niệm
Thứ 2, 23/10/2023 | 14:34:42 [GMT +7] A A
Gần đến dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, nhà thơ Bùi Công Minh (tác giả bài thơ “Hành khúc ngày và đêm” được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, trở thành ca khúc nổi tiếng trên khắp các ngả đường đánh Mỹ), từ quê hương Đà Nẵng, qua zalo gửi hình ảnh các cựu học sinh Trường Học sinh miền Nam (HSMN) Đông Triều, gồm Trung tướng Lê Ngọc Nam cùng các bạn đồng môn quê Đà Nẵng đi làm từ thiện. Đó là truyền thống tốt đẹp của dân tộc được các thầy, cô giáo Trường HSMN Đông Triều dạy bảo các học sinh của Trường từ hồi thơ bé.
“Vườn ươm những hạt giống đỏ”
28 trường học sinh dân tộc Kinh và 1 trường dân tộc ít người của các vùng miền Nam được thành lập và hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố miền Bắc từ năm 1954 đến tháng 4/1975 với 23.276 học sinh vỡ lòng, cấp 1, cấp 2, cấp 3 được nuôi dưỡng, học tập... Từ năm 1969-1975 có thêm 4.000 học sinh nước bạn Lào cùng học tại các trường HSMN tại các tỉnh, thành phố miền Bắc. Đặc biệt, năm 1966 Trường HSMN tại xã Bình Ngọc (Móng Cái) tiếp nhận 2 học sinh Congo (châu Phi).
HSMN trên đất Bắc là con liệt sĩ, cán bộ cách mạng đã hy sinh hoặc còn đang chiến đấu ở miền Nam sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng năm 1954, đất nước tạm thời chia cắt làm 2 miền. Đó là những “Hạt giống đỏ của cách mạng miền Nam” được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ ươm trồng tại các trường HSMN trên đất Bắc (từ năm 1954-1975). Tháng 5/1999, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết bài về các trường HSMN trên đất Bắc, gọi là “Vườn ươm quý báu bậc nhất của đất nước”.
Những “Hạt giống đỏ” tại các vườn ươm thời ấy, sau này trưởng thành là những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng, như: Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, nhà thơ - nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền, NSND Trà Giang, nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh uỷ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; nhiều giáo sư, phó giáo sư, Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động. Trong trái tim mỗi người luôn nồng cháy những kỷ niệm thời gian được học tập, nuôi dưỡng dưới những mái trường lợp lá, sơ tán khắp các miền quê miền Bắc. Đó là thời kỳ miền Bắc còn vô cùng khó khăn, đầy bom đạn Mỹ, nhưng luôn chan chứa, nồng ấm tình yêu thương của nhân dân.
Quảng Ninh đầy ắp yêu thương và kỷ niệm
Gần đến kỷ niệm 60 năm vùng đất được Bác Hồ đặt tên “Quảng Ninh”, những cựu HSMN tại trường hệ phổ thông Đông Triều, trường bổ túc công - nông Đông Triều, trường hệ phổ thông Bình Ngọc (Móng Cái) nao nức, hẹn nhau về Quảng Ninh, quê hương thứ 2 đầy ắp tình yêu thương và kỷ niệm thời thơ ấu.
Thời gian đã trôi đi 67 năm kể từ khi năm học đầu tiên 1956-1957 khai giảng tại Trường HSMN Đông Triều. Trong ký ức của cựu học sinh, Nhà giáo Ưu tú Đàm Thị Ngọc Thơ hiện lên hình ảnh: “Trường HSMN chúng tôi tọa lạc tại khu đồi Yên Sinh. Trên mỏm đồi là vườn thông rộng. Những cây thông cao vút, thẳng hàng. Trước mặt là con đường đất đỏ chạy thẳng ra chợ huyện Đông Triều”.
Cựu học sinh Nguyễn Thị Tống là một trong số học sinh được kết nạp vào Đảng tại Trường. Hồi tưởng các địa danh của Đông Triều theo trí nhớ hồi thơ bé của mình: “Trường HSMN Đông Triều sơ tán ra 6 làng. Trường chính đóng tại Yên Sinh; 5 trường khác sơ tán, đóng tại thôn Hổ Lao, An Tiến, Tân Lập, Phúc Đa, Tràng Bảng”.
Hai cựu học sinh Trường HSMN Đông Triều là Tô Ấn Quyết, Trần Đình Thành ghi lại: “Năm 1956 Trường HSMN Đông Triều kể cả cấp 1, 2, 3 có 30 lớp. Trường chia ra 6 khu sơ tán cách nhau 2-3km. Học sinh ở nhà dân nhưng ăn cơm ở bếp tập thể. Chúng tôi ở khu 3 thôn Hổ Lao, gồm 5 lớp học sinh cấp 3. Thôn Hổ Lao nằm ven một ngọn đồi, dân cư thưa thớt, đất rất cứng, nên việc đào hầm trú ẩn, giao thông hào rất khó khăn... Thực là: "Bao năm còn nhớ Đông Triều/ Những đêm khoét núi, những chiều mũ rơm”.
Trường HSMN Bình Ngọc (Móng Cái), cách xa quê hương miền Nam, nhưng ấm áp tình đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc. Đến nay sau 56 năm, những phụ huynh cao tuổi ở xã Bình Ngọc vẫn nhớ hình ảnh các lớp HSMN sơ tán về thôn 4. Vào một ngày của năm 1967, nước thủy triều vỗ ì oạp vào khu bãi Đá Đen, các HSMN cùng bà con thôn 4 thấy thầy Hiệu trưởng đón một thanh niên cao lênh khênh, da đen bóng, tóc xoăn tít. Người phụ nữ đi cùng là cán bộ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, giới thiệu đó là bạn gái, tên là Iren, con một đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Congo vừa bị đế quốc Mỹ sát hại. Iren là chị, học lớp 6, em gái của Iren học lớp 1. Mẹ Iren từ châu Phi xa xôi gửi niềm tin: “Hai chị em Iren học trường Việt Nam sẽ mau trưởng thành, sau này trở về phục vụ đất nước Congo”. Từ đó, hai chị em Iren học ăn khoai lang luộc, học nói theo phát âm của người dân địa phương. Phát âm tiếng Việt của chị em Iren mang phảng phất thổ ngữ của người dân Bình Ngọc.
Trường Bổ túc công - nông Đông Triều là nơi nuôi dưỡng, đào tạo trực tiếp hạt giống cán bộ cho nhiều thế hệ trẻ miền Nam. Cựu học sinh Nguyễn Xuân Hoàng ghi lại: “Tôi học Trường Bổ túc công - nông Đông Triều. Tuổi thơ tôi sớm xa quê hương miền Nam, nhưng luôn ấm áp tình người, tình dân suốt cuộc đời. Đông Triều là tổ ấm thân thương với tôi, với lớp lớp chúng tôi”. Năm 1993 tôi (tác giả bài báo này) gặp cựu học sinh Nguyễn Xuân Hoàng tại văn phòng Liên hiệp Thuốc lá Khánh Hòa Khatoco, là Tổng Giám đốc Khatoco, là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới đất nước. Mỗi năm, Khatoco đóng góp 1/3 tổng ngân sách của tỉnh Khánh Hòa. Ngày 30/7/2013 người dân Khánh Hòa bàng hoàng khi Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Hoàng mất. Tôi được biết, khi bệnh nặng, Nguyễn Xuân Hoàng vẫn day dứt với người thân chưa có chuyến về lại Đông Triều.
Tình người của nhân dân miền Bắc nuôi dưỡng đã chắp cánh cho 23.276 học sinh miền Nam bay vào tương lai. Cựu học sinh Nguyễn Xuân Hoàng trong lòng luôn ấm áp tình cảm nồng ấm của gia đình bác Trọng và các em Hương, Nga. “Cứ Tết đến các gia đình quanh Trường lại đến đón các em miền Nam về nhà đón giao thừa. Tôi đến đón giao thừa cùng gia đình bác Trọng cùng các em Hương, Nga. Trong khi ấy, con trai bác Trọng nhập ngũ, đang hành quân trên đường đánh giặc Mỹ tại quê hương miền Nam của tôi”.
Trở về với quê hương thứ hai yêu dấu
Sau khi tốt nghiệp hệ phổ thông lớp 10, các lứa học sinh các trường HSMN tại Đông Triều, Bình Ngọc, Trường Bổ túc công - nông Đông Triều tạm biệt mái trường sơ tán, nhập vào các trường đại học trong nước, nước ngoài, hoặc lên đường cầm súng vào miền Nam đánh Mỹ.
Tổng kết năm học lớp 10 khoá 1960-1961, một nam học sinh Trường HSMN Đông Triều, quê Mỹ Tho là Diệp Minh Tuyền sáng tác bài hát “Tạm biệt”: “Này giờ phút xa nhau đã đến rồi/ Người bạn cũ hãy hát khúc biệt ly/ Bạn cùng sống bên tôi tháng năm ngày qua/ Và cùng hát bên tôi khúc ca êm đềm...”.
Trở về miền Nam năm 1964, trực tiếp cầm súng đánh giặc, Diệp Minh Tuyền trở thành nhà thơ - nhạc sĩ. Anh sáng tác ca khúc “Hát mãi khúc quân hành” nổi tiếng, hát vang khắp mọi miền đất nước: “Đời mình là một khúc quân hành/ Kẻ thù buộc ta ôm cây súng...”. Trong trái tim Diệp Minh Tuyền luôn in đậm hình bóng mái trường, con người, làng quê Đông Triều yêu dấu! Đồng môn Huỳnh Trung Hiếu đã viết bài thơ đăng báo Đảng bộ tỉnh Kon Tum số ra ngày 21/1/1997, tiễn cựu học sinh, chiến sĩ - nhạc sĩ - nhà thơ Diệp Minh Tuyền về thế giới khác: “Anh Tuyền ơi, những con đường đất/ Ở Đông Triều Đệ tứ Chiến khu/ Với những bài ca thai nghén “Khúc quân hành...”.
Nhà báo Ngô Quy Nhơn, nguyên Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, tâm sự cùng bạn bè thân thiết Quảng Ninh: "Hằng năm, tụi học sinh miền Nam chúng tôi vẫn kết thành đoàn, bồi hồi về thăm lại nơi có mái trường xưa trên đất Bắc. Nhưng sau nhiều năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gia đình tôi mới đưa hài cốt của ba tôi từ Đông Triều về Đà Nẵng. Ba tôi công tác tại Trường Đại học Lâm nghiệp đóng tại Đông Triều. Sau khi ba tôi mất được an táng tại Đông Triều. Anh em tôi linh cảm, linh hồn ba tôi quyến luyến với Đông Triều, Quảng Ninh, nên đón ba hồi hương chầm chậm là thế!".
Mai Phước Quế quê Đà Nẵng, học sinh Trường HSMN Đông Triều khóa 1973-1975, sau này trở thành nhà báo uy tín của tờ báo Đảng bộ TP Đà Nẵng. Anh em trong tòa soạn Báo Đà Nẵng phỏng đoán: Hình như mối tơ duyên nào đó với người Đông Triều mà tới lớn tuổi nhưng Mai Phước Quế vẫn lẻ bóng. Khi gặp bạn Quảng Ninh thân thiết, Mai Phước Quế nói về Đông Triều với ý tứ xa xôi, kiểu “Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?”.
Anh em cựu học sinh Trường HSMN Đông Triều, quê Đà Nẵng và các miền quê khác của miền Nam háo hức với sự kiện Quảng Ninh kỷ niệm 60 năm danh xưng “Tỉnh Quảng Ninh”. Trong vạn người đến Quảng Ninh tham dự sự kiện lớn của Quảng Ninh tháng 10, ắt có rất nhiều cựu HSMN trở về Quảng Ninh - Quê hương thứ hai của mỗi người!
Thời gian thoi đưa. Các lớp học sinh miền Nam tại những mái trường trên đất Quảng Ninh từ năm 1956-1975, nhiều người đã hy sinh, những người còn sống cũng trên dưới 70, 80 tuổi. Cựu học sinh Mai Phước Quế hình dung ngày trở về Quảng Ninh vào dịp 30/10/2023: "Những cựu HSMN chúng tôi nao nức đi trên những con đường của Đông Triều, Hạ Long, Móng Cái... Trên đầu chúng tôi có những áng mây hồng. Đó là linh hồn của cựu học sinh Diệp Minh Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng và những bạn đã hy sinh trên khắp chiến trường đánh Mỹ. Từ thế giới khác, các bạn hóa thân thành áng mây hồng dắt tay nhau bay về quê hương Quảng Ninh!
Lê Toán
Liên kết website
Ý kiến ()