Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 05:19 (GMT +7)
Quốc gia châu Âu nào đang xử lý khủng hoảng năng lượng tốt nhất?
Thứ 5, 22/12/2022 | 10:21:18 [GMT +7] A A
Các chuyên gia cho biết Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Italy và Hy Lạp đang thực hiện một số bước đi đúng đắn, nhưng phải đối mặt với thời gian thử thách phía trước.
Theo kênh Al Jazeera, bằng mọi cách từ giảm thuế, giảm sử dụng điện đến tìm kiếm các nguồn khí đốt thay thế, châu Âu đang gặp khó khăn khi đối phó với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất lịch sử, ngay khi những ngày mùa đông lạnh giá bắt đầu.
Cuộc xung đột ở Ukraine vào tháng 2 năm nay đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về nguồn cung và đẩy chi phí khí đốt tự nhiên nhập khẩu tăng vọt. Các chính phủ trên khắp châu Âu đã thử một loạt các biện pháp để bảo vệ người dân trước những tác động tồi tệ nhất của việc giá cả tăng cao mà vẫn giữ cho nền kinh tế phát triển. Nhưng các cuộc đình công của công nhân và các cuộc biểu tình trên đường phố đang bùng nổ ở nhiều thành phố, cho thấy khó khăn là có thật và ảnh hưởng nặng nề tới hàng triệu người.
Theo các chuyên gia kinh tế, Pháp và Tây Ban Nha đã kiềm chế lạm phát tốt nhất, còn Italy, Đức và Hy Lạp đang dẫn đầu trong chuẩn bị dài hạn để đảm bảo nhu cầu năng lượng. Trong khi đó, Anh đang gặp khó khăn.
Rủi ro không đồng đều
Nga chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu vào năm 2021, nhưng một số quốc gia luôn dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác.
Ba Lan, Phần Lan và Slovakia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt tự nhiên Nga do vị trí địa lý gần với các đường ống cung cấp của nước này. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã phụ thuộc vào Nga khi nhập khẩu một nửa lượng khí đốt tự nhiên từ nước này vào năm 2021. Ngành hóa chất lớn của Đức sử dụng khí đốt tự nhiên làm nguyên liệu thô.
Sau đó, có những quốc gia thường có tỷ lệ khí đốt tự nhiên cao hơn trong tổng hỗn hợp năng lượng: Italy (40%), Hà Lan (37%), Hungary (33%) và Croatia (30%). Mặc dù các quốc gia này phụ thuộc Nga ở các mức độ khác nhau nhưng đều xảy ra lạm phát tăng mạnh khi giá khí đốt tăng vọt lên mức kỷ lục.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết một số quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt Nga.
Dựa vào LNG
Châu Âu nói chung đang chuyển sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để cắt giảm phụ thuộc khí đốt Nga mà phần lớn được vận chuyển qua đường ống. Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, Liên minh châu Âu đã nhập khẩu nhiều LNG hơn mức họ từng mua trong cả năm.
Ông Maartje Wijffelaars, nhà kinh tế cấp cao tại Rabo Research (Hà Lan), nói với Al Jazeera rằng ở châu Âu, Italy đã chủ động trong tìm kiếm nguồn cung cấp LNG. Italy bắt đầu tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế từ Azerbaijan, Algeria và Ai Cập ngay sau khi xung đột nổ ra. Algeria - một nhà xuất khẩu khí đốt lớn - nằm ngay bên kia Biển Địa Trung Hải đã giúp ích.
Theo ông Wiffelaars, một số quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp và Italy có lợi thế nhờ có sẵn các kho cảng LNG cố định, còn các quốc gia châu Âu khác như Đức lại thường phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt qua đường ống. Cùng với Anh, những quốc gia này có khả năng nhập khẩu LNG cao nhất trong khu vực.
Nhiều nước khác đang chuyển sang sử dụng các cảng LNG nổi, mất ít thời gian hơn xây dựng so với các trạm cố định trên đất liền.
Đi đầu trong sáng kiến này là Đức, quốc gia gần đây đã hoàn thành xây dựng cảng đầu tiên trong số 5 kho cảng LNG nổi theo kế hoạch. Sau khi hoàn thành cả 5, Đức sẽ có năng lực nhập khẩu LNG cao nhất châu Âu. Hy Lạp cũng đang lên kế hoạch xây 5 kho cảng LNG nổi, có thể biến nước này thành trung tâm của các nước Đông Nam Âu.
Nhưng sẽ mất ít nhất vài năm để các quốc gia như Qatar, Australia và Mỹ tăng lượng LNG xuất khẩu cho châu Âu.
Ông Ben Cahill, thành viên cấp cao của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Al Jazeera: “Cho đến lúc đó, sẽ tiếp tục có áp lực tăng giá năng lượng”.
Trong những tháng gần đây, Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã xảy ra lạm phát tăng mạnh nhất kể từ khi thành lập mà khoảng 70% mức lạm phát đó trong tháng 9 là do giá năng lượng.
Nhưng một số quốc gia đã làm tốt hơn những quốc gia khác trong bảo vệ người dân.
Kiềm chế giá
Pháp đã cố định giá khí đốt hộ gia đình ở mức hồi tháng 10/2021 và giới hạn mức tăng giá điện vào năm 2022 ở tỷ lệ 4% so với năm ngoái. Gần đây, họ đã thông báo hạn chế mức tăng giá điện và khí đốt ở 15% vào năm tới. Nếu không có những biện pháp này, hóa đơn của các hộ gia đình sẽ tăng hơn gấp đôi.
Pháp vốn phụ thuộc ít hơn vào khí đốt Nga (chiếm 7,6% tổng lượng khí đốt nhập khẩu) so với nhiều quốc gia châu Âu khác, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân. Nhiều nhà máy điện hạt nhân Pháp đang được bảo trì, đồng nghĩa với việc Pháp thiếu năng lượng. Nhưng giới hạn giá khí đốt và điện đã giúp Pháp giữ lạm phát ở mức thấp nhất trên toàn EU trong 12 tháng qua.
Theo một báo cáo ngày 18/11 của Rabo Research, sau Pháp, Tây Ban Nha cũng gây ấn tượng khi hỗ trợ người dân đối phó lạm phát thông qua một loạt biện pháp giảm thuế và áp trần thuế xăng dầu.
Kể từ tháng 9/2021 – khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khí đốt tự nhiên bắt đầu trong những tháng trước xung đột ở Ukraine, nhiều nước đã để dành quỹ để đối phó với khủng hoảng. Khi giá dầu và khí đốt tăng cao vì xung đột, các quốc gia này đã thêm tiền vào quỹ này.
Đức có 264 tỷ euro (gần một nửa) trong tổng số 600 tỷ euro mà các nước EU dành ra để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng. Các biện pháp cứu trợ của Đức chiếm 7,4% tổng sản phẩm quốc nội.
Nhưng trong khi Pháp và Tây Ban Nha đang áp giá trần và giảm giá nhiên liệu để giúp người dân giảm bớt chi phí, thì những nước khác đã tập trung nhiều nhất vào hỗ trợ tài chính trực tiếp cho những người dân dễ bị tổn thương, đồng thời áp dụng các biện pháp như cắt giảm thuế đối với dầu và đánh thuế lợi nhuận vào các công ty năng lượng. Ví dụ, ở Áo, các hộ gia đình đã được giảm giá một lần 150 euro cho hóa đơn năng lượng, trong đó những người dễ bị tổn thương nhất nhận được gấp đôi số tiền đó.
Đức tập trung vào tăng thu nhập cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhưng điều này đã góp phần làm tăng nhu cầu và đẩy lạm phát cao hơn. Ngược lại, Pháp và Tây Ban Nha đã thực hiện các biện pháp trực tiếp để kiềm chế lạm phát bằng cách kiểm soát giá điện. Tuy nhiên, từ năm tới, Đức sẽ bắt đầu trợ cấp tiền điện cho người tiêu dùng, từ đó sẽ giúp giảm lạm phát.
Trong khi Pháp và Tây Ban Nha đã kiểm soát được giá cả và Đức dẫn đầu về hỗ trợ tài chính, thì Anh lại không làm như vậy. Tỷ lệ lạm phát 11,1% trong tháng 10 là cao nhất trong 40 năm. Anh chỉ dành các nguồn lực tương đương 97 tỷ euro để đối phó với khủng hoảng năng lượng, chiếm 3,5% GDP.
Các chuyên gia cho biết, khi các quốc gia khác nhau áp dụng các biện pháp khác nhau, xét cả châu lục, châu Âu phải đối mặt với những câu hỏi khó trong những tuần, tháng và năm tới. Lớn nhất trong số đó là: Mỗi quốc gia có nên nghĩ đến mình trước không?
Đức gần đây đã công bố một gói mới trị giá 200 tỷ euro để đối phó với giá khí đốt tăng cao, gây thất vọng cho các quốc gia khác vốn đang kêu gọi phản ứng phối hợp của EU.
Ông Philipp Heimberger, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, nói với Al Jazeera: “Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc liệu EU có nên thực hiện các biện pháp tập thể hay nên thực hiện ở cấp quốc gia. Khi chúng ta bước vào những tháng mùa đông, cuộc tranh luận này sẽ gay gắt hơn”.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()