Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 00:40 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024
Thứ 6, 10/11/2023 | 19:16:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 10/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng.
Trong phiên làm việc sáng tại hội trường Quốc hội, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 466 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,33%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Tiếp đó, Quốc hội nghe các nội dung tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tiến hành thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng nội dung dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu cũng cần xem xét đầy đủ các yếu tố về các điều kiện ưu đãi khi kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Do đó, khi xây dựng các phương án thuế, vừa phải đảm bảo yếu tố hội nhập, nhưng cũng cần yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì rõ ràng, mức thu thuế bình quân với các nước là bằng nhau, chính sách ưu đãi thuế của các nước sẽ giống nhau. Vậy để thu hút đầu tư vào Việt Nam cần nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi khác. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, các điều kiện về cơ sở hạ tầng...
Góp ý đối với dự án Luật Đường bộ, đại biểu cho rằng cần rà soát, quy định nghiêm cấm các loại xe thô sơ, xe tự chế hoạt động vì các loại xe này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất lớn. Bên cạnh đó, nội dung quy định đường thôn xóm phải nêu rõ các quy chuẩn cụ thể.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng đặt vấn đề cần quan tâm khi thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu thì môi trường thu hút đầu tư sẽ bị tác động như thế nào. Trong đó, bài toán đặt ra việc tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư đã đến Việt Nam, đã đầu tư, đã triển khai các dự án và Chính phủ đã cam kết ưu đãi, phải tính toán rất kỹ lưỡng và phải hết sức quan tâm. Chính phủ phải đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn; hoàn thành nhanh chóng việc sửa đổi các ưu đãi đầu tư để song hành với chính sách thuế toàn cầu. Đây là vấn đề rất quan trọng để bảo đảm có một môi trường đầu tư ổn định.
Đối với dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng cùng với việc đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông thì phải nâng cao ý thức chấp hành giao thông và có cơ chế xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc quy hoạch giao thông.
Tham gia thêm vào nội dung này, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng về mặt kỹ thuật lập pháp, các luật được xây dựng phải đảm bảo nội dung không chồng chéo và đặc biệt không mâu thuẫn lẫn nhau. Trong đó, rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm quản lý nhà nước và cũng để đảm bảo rõ phạm vi điều chỉnh của hai luật. Đại biểu cũng đề nghị cần phải làm rõ nội hàm là thế nào là giao thông đường bộ và thế nào là hoạt động đường bộ để quy định và cũng là để xác định được phạm vi điều chỉnh trong trong mỗi luật cũng như để đảm bảo được sự phân công trách nhiệm trong quản lý Nhà nước.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 444 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 89,88%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) đa số ý kiến tại tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh: Quảng Ninh, Nam Định, Phú Yên, Bến Tre nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hiện đại, xã hội công nghệ điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần quy định chi tiết. Các đại biểu đề nghị Luật hoá tối đa các nội dung đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế, tránh việc giao quá nhiều nội dung quy định chi tiết làm giảm tính cụ thể của Luật và làm cho quy định của Luật chậm đi vào cuộc sống vì phải chờ các văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra đại biểu cũng tham gia thảo luận và đề nghị làm rõ nhiều nội dung liên quan đến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()