Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:22 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 4, 01/06/2022 | 18:13:22 [GMT +7] A A
Ngày 1/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 8 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Trong ngày làm việc, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Tại phiên làm việc sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Trên cơ sở đồng tình với báo cáo đánh giá, các đại biểu đã tham gia ý kiến liên quan tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia, các giải pháp phục hồi và phát triển nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp; các vấn đề liên quan tới du lịch, khởi nghiệp, y tế, giáo dục, lao động việc làm, phát triển hạ tầng giao thông, sản xuất nông nghiệp, bình ổn giá…
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến liên quan tới nguyên nhân Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/6/2017 chưa đi vào cuộc sống; những giải pháp xử lý nợ xấu, luật hóa quy định về xử lý nợ xấu; sự phối hợp đồng bộ trong quá trình triển khai Nghị quyết. Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá bối cảnh thế giới năm 2022 tác động tới kinh tế - xã hội trong nước, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp ngắn hạn cho những tháng còn lại của năm và dài hạn cho giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đánh giá sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 và một số nội dung chính cần quan tâm khi xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()