Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 11:03 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường về nhiều nội dung quan trọng
Thứ 5, 02/11/2023 | 19:18:37 [GMT +7] A A
Ngày 2/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; thảo luận tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, tài chính quốc gia, an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo nguồn lực ngân sách nhà nước cho phát triển kinh tế xã hội.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình với ý kiến về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng. Từ kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh, đại biểu cho biết, thời gian qua, nổi lên vấn đề về ách tắc, tồn đọng hoàn thuế giá trị gia tăng, khiến các doanh nghiệp và một số hiệp hội ngành hàng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã được giao thực hiện giám sát chuyên đề về vấn đề này.
Đồng tình cao với đánh giá và kiến nghị trong báo cáo của giám sát chuyên đề trên, đại biểu cho biết, báo cáo giám sát đã nêu rõ, những ách tắc mang tính hệ thống trong khâu hoàn thuế đối với một số ngành hàng xuất khẩu xuất phát từ những văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của Tổng cục Thuế có những điểm chưa phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý vững chắc, thiếu tính khả thi, thiếu sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan.
Đại biểu lấy ví dụ, với nhóm mặt hàng ngành gỗ, Tổng cục Thuế hướng dẫn các cục thuế thực hiện rà soát xác minh qua các khâu mua hàng đến khâu thu mua là quá mức cần thiết, bởi theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế giá trị gia tăng chỉ phát sinh và phải nộp từ khâu chế biến có hóa đơn giá trị gia tăng. Việc yêu cầu xác minh ở nhiều khâu là không cần thiết, không có cơ sở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để giải quyết dứt điểm và hiệu quả tình trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo khẩn trương, rà soát, cải cách, tinh gọn các thủ tục hành chính. Bộ Tài chính cần chỉ đạo, rà soát, tháo gỡ vướng mắc từ các văn bản chuyên ngành, khẩn trương giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hoàn trước, kiểm sau với các doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín, có chất lượng, chấp nhận tính pháp lý của tờ khai hải quan. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp khẳng định có phải xác định nguồn gốc sản phẩm hay không, hồ sơ thủ tục hướng dẫn như thế nào để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, nhiều giải pháp cụ thể đã đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm quốc gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế vùng, ưu tiên chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…) giúp cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nuôi dưỡng nguồn thu NSNN, tháo gỡ những vướng mắc xuất nhập khẩu, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước đã đạt được những yêu cầu lớn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cũng chỉ rõ một số tồn tại, bất cập như, chỉ tiêu quan trọng là tỷ lệ huy động thuế, phí vào ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm, khả năng sẽ không đạt được kế hoạch chỉ tiêu 5 năm. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ cũng đang có hướng tăng và tiếp cận với mức trần. Năm 2023 có khoảng 43/63 địa phương có thể sẽ hụt thu ngân sách, một số khoản thu chưa có tính bền vững. Bên cạnh đó, về thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục giảm thu ngân sách trong điều kiện kinh tế khó khăn, một số khoản thu ngân sách sẽ ảnh hưởng đến cân đối chi ngân sách.
Qua đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm và những năm tới, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về thu, chi ngân sách. Về dự toán ngân sách năm 2024, phương án điều tiết ngân sách giữa Trung ương và địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ chi của các địa phương chưa thực hiện cân đối được ngân sách, thu ngân sách không đạt được dự toán.
Đề nghị Chính phủ đề nghị tăng bổ sung cân đối cho địa phương 2% so với dự toán năm 2023. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội xem xét quyết định việc điều tiết ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong thời kỷ ổn định ngân sách. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần có kết quả khảo sát, đánh giá thực tế tại các địa phương về yêu cầu nhiệm vụ chi cho các chính sách mới theo quy định để có giải pháp phù hợp với từng địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu bày tỏ thống nhất với việc xử lý bù chi ngân sách năm 2024 cho một số địa phương để bảo đảm chi ngân sách địa phương không thấp hơn mức chi năm 2023. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và chi cho con người. Đồng thời đề nghị với Chính phủ thực hiện rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thu, chi ngân sách, cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo Nghị quyết 23 của Quốc hội khóa XV, phát huy vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước và bảo đảm kỷ cương tài chính ngân sách.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa vào nội dung quan trọng, cần thiết trong các Nghị quyết của Quốc hội, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phát biểu thảo luận, các đại biểu cho rằng cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội để khắc phục những hạn chế, bất cập, bảo đảm an sinh xã hội, mở rộng quyền, lợi ích, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, thể hiện tính ưu việt của chế độ Nhà nước ta.
Các đại biểu tập trung thảo luận về phạm vi điều chỉnh; đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc rút bảo hiểm xã hội một lần; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()