Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 05:35 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Thứ 6, 26/05/2023 | 18:23:38 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 26/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đồng thời, tiến hành thảo luận các nội dung về: Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng để hoàn thiện dự án luật trên một số nội dung như: Phạm vi, khái niệm điều chỉnh, khái niệm người tiêu dùng, áp dụng pháp luật, tính thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng của các tổ chức xã hội…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc, giải trình kỹ lưỡng để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tham gia thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đánh giá cao từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng được quan tâm, đổi mới từ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua đã được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chú trọng hơn và đạt nhiều kết quả. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả hơn. Hàng tháng, Ban Dân nguyện đã báo cáo kết quả công tác dân nguyện của Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục có sự chỉ đạo. Qua đó, kết quả trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri, của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng ngày càng có trách nhiệm và đạt nhiều kết quả hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng cho biết, trước kỳ họp thứ 5, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Đại biểu cho rằng cần báo cáo rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất điện… Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận tại hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, tại kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên tiến hành thảo luận tại phiên họp toàn thể để xem xét kết quả giám sát việc trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri và nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước; thể hiện vai trò, trách nhiệm của Quốc hội với cử tri.
Đây cũng là cơ sở thực tiễn phong phú để thực hiện chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận việc thảo luận tại hội trường diễn ra với không khí sôi nổi, các ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, khách quan và sát thực tiễn, tập trung vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ đã được tiếp thu đầy đủ. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp để gửi đến các vị đại biểu Quốc hội theo dõi và chuyển cho các cơ quan liên quan tổng hợp, trả lời và nghiên cứu. Đồng thời, các nội dung này sẽ đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5.
Nguyễn Thanh
- Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023
- Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự
- Đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
- Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Liên kết website
Ý kiến ()