Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:26 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023
Thứ 5, 25/05/2023 | 18:49:22 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại tổ số 9 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre.
Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đa số đại biểu trong tổ đều đồng tình với nội dung báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Theo đó, với những quyết sách đúng đắn kịp thời của Quốc hội, điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đạt được kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chính phủ cũng nỗ lực thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em, chính sách về dân tộc, tôn gáo tín ngưỡng, bình đẳng giới… Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đang đặt ra, từ đó có giải pháp phù hợp.
Đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn tồn tại trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 của các địa phương chưa được đánh giá cụ thể. Đơn cử như nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều yếu tố gây khó khăn ảnh hưởng đến việc giải ngân của các địa phương như đất san nền, giải phóng đền bù, các quy định mới… Hay như vấn đề thị trường bất động sản đóng băng ảnh hưởng đến tiền thu sử dụng đất phục vụ cho đầu tư của các địa phương; các khó khăn của doanh nghiệp… Do vậy báo cáo cần đánh giá một cách khách quan, chi tiết nhất những khó khăn này để đưa ra những giải pháp cụ thể cho những tháng còn lại của năm 2023 đảm bảo hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%.
Thảo luận về nội dung này, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2022 là năm sau đại dịch Covid-19 kéo dài, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc trong phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động các giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã kịp thời quyết định mở cửa sớm, vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hôi. Do vậy, đại biểu nhận thấy, năm 2022, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt toàn diện trên các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ có 2 chỉ tiêu chưa đạt được là chỉ tiêu về năng suất lao động và chỉ tiêu tỉ trọng chế biến chế tạo trong công nghiệp. Đại biểu cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời thì chỉ tiêu này sẽ tiếp tục không đạt trong năm 2023.
Về các chỉ tiêu thực hiện của năm 2023, đánh giá tỉ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức 2,25%, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, đây là chỉ tiêu đang giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại khá cao, do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá sát với thực tiễn để đưa ra những giải pháp phù hợp với tình hình. Về chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế, đại biểu cũng đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn để có giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, đề ra giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng hiện nay, một số điểm nghẽn trong phát triển KT-XH còn chưa được tháo gỡ hiệu quả như: Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương… chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Như tại tỉnh Quảng Ninh thời gian qua, Đoàn ĐBQH cũng có làm việc với ngành Than và Điện, giá than khoảng 2 triệu đồng/tấn, giá nhập khẩu là 7 triệu đồng/tấn, đương nhiên sẽ ưu tiên than trong nước. Tuy nhiên yêu cầu về tăng sản lượng cũng là một vấn đề khó. Điều này cũng phải gắn với vấn đề quy hoạch năng lượng, trong đó phải tổng hòa các nguồn năng lượng để cân đối. Vậy nên vấn đề quy hoạch năng lượng đề nghị Chính phủ phải xử lý nhanh chóng.
Cùng cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh đối với nội dung xây dựng hoàn thiện thể chế trong báo cáo của Chính phủ đã liệt kê nội dung tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và góp phần tháo gỡ những khó khăn thúc đẩy phát triển KT-XH, tuy nhiên việc đánh giá chất lượng tác động của các văn bản này lại chưa rõ. Do đó đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn việc tháo gỡ ở những điểm nghẽn cụ thể nào, có thể rà soát một cách tổng thể đối hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là những chính sách liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống nhân dân để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Bên cạnh đó đối với nội dung về sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên có sự đánh giá chi tiết hơn. Đại biểu cũng cho biết tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 đặt ra nhiệm vụ triển khai các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, vậy những giải pháp cụ thể để thực hiện nội dung này cũng cần được nêu chi tiết. Đặc biệt báo cáo cần làm rõ hơn nữa, thống kê số liệu đầy đủ về tình trạng thôi việc trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và giáo dục thời gian qua để xác định được nguyên nhân từ đó đưa ra các giải pháp căn cơ khắc phục tình trạng này.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày tại hội trường, Quốc hội đã nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Cho ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) các đại biểu đề nghị một số nội dung như: Tiếp tục hoàn thiện các quy định nhằm thể chế hóa các chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW, các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh Hợp tác xã, quy định về thành viên hợp tác xã, tổ chức quản trị hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; vấn đề tài chính, tài sản và quỹ không chia; điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã; việc huy động vốn từ các thành viên, cho vay nội bộ, góp vốn mua cổ phần…
Kết luận nội dung thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.
Nguyễn Thanh
- Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự
- Đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021
- Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
- Đề xuất trình Quốc hội cho ý kiến Luật Chuyển đổi giới tính tại Kỳ họp thứ 8
Liên kết website
Ý kiến ()