Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:27 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận tại hội trường về KT-XH, công tác phòng, chống dịch Covid-19
Thứ 3, 09/11/2021 | 17:36:48 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Theo đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đánh giá về năng lực trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đến nay mới có 77,9% số xã được đầu tư nâng cấp trạm y tế, 48,8% trạm y tế xã thực hiện đạt tỷ lệ danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến xã. Do cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng nguồn lực ngân sách cho y tế dự phòng; có chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội để nâng cấp trạm y tế cấp xã, nhất là nơi có điều kiện kinh tế khó khăn. Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý, tiêu chí trạm y tế chuẩn quốc gia phù hợp với tình hình mới. Mặt khác, các tỉnh, thành phố cần có chính sách thu hút bác sĩ về làm việc; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, tăng cường nguồn lực cho trạm y tế xã, phường, thị trấn hoạt động.
Đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tuy đã được các cấp, ngành quan tâm và có chuyển biến tích cực, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, toàn diện hơn cả về thể chế, chế tài đủ mạnh để phòng chống tệ nạn đánh bạc; quan tâm công tác phòng, chống ma túy; bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện ma túy, bảo đảm an ninh trật tự an toàn xã hội.
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu đề xuất Chính phủ sớm ban hành chiến lược phòng chống dịch, văn bản hướng dẫn thực hiện thống nhất, phù hợp về kiểm soát, cách ly y tế, thực hiện mục tiêu kép trong tình hình mới. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh cần được quan tâm đúng mức, thực hiện tốt hơn việc kiểm dịch ở các chốt giao thông, không chỉ để lưu thông nhanh, mà còn phải đảm bảo an toàn để phát triển bền vững. Đồng thời, cần có chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người tham gia phòng chống dịch, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Chính sách này cần khảo sát đánh giá tác động, xác định đối tượng, mức hỗ trợ, dự kiến nguồn lực, thời điểm thực hiện phù hợp để Quốc hội xem xét quyết định thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, giải quyết an sinh xã hội.
Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, cơ bản tán thành với những nhận định của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong năm 2021 cùng việc ghi nhận những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng chủ lực tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19 để có thể đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi KT-XH. Đại biểu cũng thống nhất với Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đại biểu nêu rõ trong giai đoạn này cần có các cơ chế cụ thể, ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng có các biện pháp lấp lỗ hổng về mặt kiến thức cho học sinh các vùng học trực tuyến, giảm tải chương trình học. Chính phủ cũng cần ban hành các chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch. Đồng thời, củng cố, tăng cường y tế cơ sở; có chính sách động viên kịp thời những người làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch; xử lý nghiêm những người lợi dụng, trục lợi từ chính sách…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()