Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:32 (GMT +7)
Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng phát huy
Thứ 7, 15/06/2024 | 06:35:13 [GMT +7] A A
Sau hơn 25 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, cấp ủy, chính quyền các cấp của Quảng Ninh đã triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, sáng tạo. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, thúc đẩy sự phát triển, đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thực tế tại địa phương, cơ sở, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung và hình thức trong công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, nhân dân về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện quy chế dân chủ.
Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn, phát huy vai trò hoạt động; phân công nhiệm vụ phụ trách theo địa bàn, lĩnh vực cho các thành viên. Hằng năm, đều chủ động xây dựng chương trình hoạt động, hướng dẫn đánh giá các tiêu chí và mô hình điển hình về thực hiện quy chế dân chủ để triển khai tới từng loại hình cơ sở. Trong giai đoạn hiện nay, quy chế dân chủ ở cơ sở được các cấp gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2020-2025) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ở cấp xã, phường, thị trấn, các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được thực hiện nghiêm túc. Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở từng bước được kiện toàn. Ở khối các cơ quan, đơn vị, việc thực hiện dân chủ trong quan hệ giải quyết công việc giữa cơ quan quản lý nhà nước với công dân được quan tâm triển khai hiệu quả, nhất là việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính. Đối với khối doanh nghiệp, các doanh nghiệp đã nghiêm túc thực hiện công khai một số nội dung theo quy định để người lao động nắm được; lấy ý kiến tham gia của người lao động trước khi ban hành quy chế dân chủ tại nơi làm việc.
Đặc biệt, với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", các nội dung công khai để nhân dân biết, bàn, tham gia ý kiến đã được chính quyền cơ sở của Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc. Nhất là việc niêm yết công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch chi tiết sử dụng đất, phương án điều chỉnh quy hoạch, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư liên quan đến các dự án, công trình; xây dựng cơ sở hạ tầng; công khai tài chính về thu, chi ngân sách; chương trình xây dựng NTM, các chính sách về an sinh xã hội; các đợt vận động quyên góp của nhân dân; các quy định về thủ tục hành chính; chương trình phát triển KT-XH...
Việc công khai được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, linh hoạt, phù hợp, như thông qua hệ thống loa truyền thanh, niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố và phổ biến tại cuộc họp tổ dân, khu phố, qua nhóm zalo... Nhiều địa phương thực hiện tốt việc niêm yết công khai các nội dung, chủ trương, chính sách, cũng như xây dựng được quy chế, quy định về tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, như TP Hạ Long đã tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về việc đặt tên các công trình công cộng; huyện Ba Chẽ tổ chức hội thảo đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc, quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố. Đến nay, việc thực hiện công khai, minh bạch đã trở thành “chìa khóa” thực hiện dân chủ trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình có nhiều chuyển biến tích cực, đã phát huy quyền làm chủ của người lao động và nhân dân trong tham gia đóng góp ý kiến, giám sát các hoạt động của chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Người dân ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc tham gia ý kiến về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và việc giải quyết các vấn đề xã hội do thực tiễn đặt ra. Từ đó, tiếp tục tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những kết quả tích cực; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền cơ sở đã quan tâm mở rộng dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia bàn, thảo luận và tự quyết định trực tiếp về chủ trương, mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội... Những cuộc bàn, thảo luận này thường được thực hiện thông qua cuộc họp cử tri, hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tại các thôn, bản, khu phố; bảo đảm công khai, thảo luận dân chủ, kết hợp với thuyết phục, vận động, tạo được sự thống nhất cao của nhân dân. Các nội dung đã quyết định được tổ chức thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực cho thôn, bản, khu phố.
Nhờ nỗ lực đưa quy chế dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã góp phần tạo không khí dân chủ, đồng thuận, tin tưởng, đoàn kết trong các tầng lớp nhân dân. Vai trò tự quản của thôn, bản, khu phố, tổ dân ngày càng được thể hiện rõ. Ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp chính quyền tốt hơn, phong cách “Trọng dân, học dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” được chú trọng. Người dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự điều hành của bộ máy chính quyền, thực hiện tốt hơn quyền và nghĩa vụ công dân.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()