Tất cả chuyên mục

Để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, hiểu rõ về trình tự kiểm tra hoạt động điện; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm tra viên điện lực; trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện… Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 27/2013/TT-BCT. Thông tư chính thức có hiệu lực từ ngày 15-12-2013.
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Theo đó, việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện được tiến hành theo hai hình thức là theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc kiểm tra công suất và hệ số công suất; kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng và các hồ sơ liên quan; kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn điện… Trường hợp phát hiện có hành vi trộm cắp điện, kiểm tra viên điện lực sẽ lập biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hành chính (VPHC). Trường hợp tạm giữ các tang vật, phương tiện dùng để trộm cắp điện, kiểm tra viên điện lực phải lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện và niêm phong các tang vật, phương tiện đó theo đúng quy định. Trường hợp có hành vi VPHC, biên bản kiểm tra, biên bản VPHC phải được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày lập xong biên bản. Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hồ sơ và các tang vật, phương tiện vi phạm được chuyển đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện phải căn cứ vào thoả thuận tại hợp đồng đã ký giữa bên mua điện và bên bán điện. Các bên phải tiến hành tự thương lượng việc giải quyết tranh chấp trước khi đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp. Trường hợp tự thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi hồ sơ đến Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền. Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo đến các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu. Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hoà giải và ra kết luận giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền. Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thoả thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Hoàng Nga (tổng hợp)
Ý kiến ()