Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 18:16 (GMT +7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc với 3 địa phương Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng
Thứ 4, 10/05/2023 | 17:52:14 [GMT +7] A A
Ngày 10/5, tại TP Hải Dương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc làm việc với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu. Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tham dự cuộc làm việc.
Dự cuộc làm việc còn có các đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và địa phương.
Hải Dương, Quảng Ninh và TP Hải Phòng là 3 trọng điểm về phát triển kinh tế khu vực phía Bắc. Những năm qua, với tinh thần kết nối, thúc đẩy phát triển liên kết vùng theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”, 3 tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều nội dung hợp tác trong nhiều lĩnh vực và thu được những kết quả tích cực. Bước đầu tạo động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Điểm nhấn đó là về hạ tầng giao thông, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng đã xây dựng, hoàn thành nhiều tuyến cầu, đường mang tính đột phá, trị giá hàng nghìn tỷ đồng, kết nối giao thông, xóa bỏ ngăn cách nhiều vùng huyện, thành phố, thị xã tiếp giáp giữa các địa phương, tạo thuận lợi cho lưu thông, giao thương.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đã thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố, trong đó có liên kết các vùng phát triển du lịch giữa Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh…
Phát biểu về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh những tháng đầu năm 2023, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH trong bối cảnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các cấp, ngành, địa phương đã bám sát sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của tỉnh để thực hiện hiệu quả các mục tiêu. Từ đó, các chỉ tiêu KT-XH đảm bảo bám sát kế hoạch đề ra.
Cụ thể, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, GRDP quý I/2023 tăng 8,06%, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 13/63 các tỉnh/thành trong cả nước. Các khu vực dịch vụ tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng của tỉnh; công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh với tốc độ tăng trưởng đạt 14,11% cùng kỳ; thu hút FDI đạt 493,8 triệu USD, bằng 41,15% kế hoạch năm... Công tác đảm bảo an sinh xã hội được tập trung thực hiện. Các nhiệm vụ khác như quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số toàn diện được thúc đẩy; công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm, động lực, các dự án trong KKT, KCN được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ.
Đặc biệt, Quảng Ninh lần thứ 2 xuất sắc đứng đầu ở cả 4 bộ chỉ số về cải cách quan trọng là PCI, PAR Index, PAPI và SIPAS. Đây là sự ghi nhận, đánh giá của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dành cho các nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Trên cơ sở nhận định những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển, đồng chí đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để có những giải pháp hỗ trợ liên quan đến các kiến nghị về công tác PCCC; chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về nhu cầu sử dụng điện trong KCN, khuyến khích đầu tư hạ tầng điện tái sinh là năng lượng mặt trời và điện gió để giải quyết một phần áp lực về tiêu thụ điện ở các KCN; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương có phương án đấu nối, đầu tư các trạm TBA theo quy hoạch để cấp điện cho các KCN.
Song song với đó, xem xét giải quyết nhu cầu vật liệu san lấp mặt bằng đối với các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định “đất san lấp” là vật liệu thông thường, không phải là khoáng sản theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 và một số đề xuất sửa đổi tại Luật Đất đai; sớm ban hành Nghị định quy định hoạt động nuôi biển và quy hoạch không gian biển làm cơ sở hành lang pháp lý để quản lý phục vụ quá trình phát triển KT-XH tại địa phương. Cùng một số kiến nghị liên quan đến công tác quản lý, sử dụng rừng; thị trường xuất nhập khẩu và thực hiện dự án thuộc vùng đệm Di sản thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.
Tương tự, tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng cũng đã báo cáo khái quát tình hình phát triển KT-XH những tháng đầu năm 2023 trên địa bàn cùng một số kiến nghị, đề xuất. Trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, tập trung tháo gỡ tối đa cho các địa phương, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương đã tập trung rà soát, tham gia ý kiến nhằm từng bước đề ra các chủ trương điều chỉnh phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tế tại từng địa phương.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự hợp tác, trách nhiệm, kịp thời phát hiện, mạnh dạn có những kiến nghị, đề xuất đối với một số quy định, nhằm bổ sung và hoàn thiện, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược đồng bộ, phù hợp của các địa phương.
Đồng chí nhấn mạnh, các đề xuất, kiến nghị của 3 địa phương đều xuất phát từ quá trình thực tiễn tại cơ sở. Trong quá trình phát triển và triển khai các chỉ đạo, đã phát hiện những tồn tại, bất cập, nhiều quy định chưa đồng bộ, thống nhất trong thể chế, gây khó khăn. Vì thế, các ý kiến đóng góp từ các địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ cân đối, xem xét.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ thực hiện tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các địa phương, thống nhất, có báo cáo chi tiết, cụ thể gửi Chính phủ để làm căn cứ xem xét, điều chỉnh. Trong đó lưu ý, cần có những đề xuất giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn.
Chỉ đạo cụ thể, liên quan đến vùng đệm di sản, di tích cấp quốc gia, đồng chí yêu cầu cần có sự tổng hợp chung để Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế điều chỉnh phù hợp. Để từ đó, từng bước xử lý, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc. Quan điểm của Chính phủ là sẽ thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()