Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:53 (GMT +7)
Quyết liệt chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành
Chủ nhật, 09/04/2017 | 00:40:30 [GMT +7] A A
Hoạt động lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái được hình thành từ sau năm 1990. Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động này đã bộc lộ một số tồn tại. Nhất là gần đây xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lữ hành cạnh tranh không lành mạnh, cấu kết với các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài mua tour lữ hành dưới giá thành, thu tiền theo đầu khách từ hướng dẫn viên, để hướng dẫn viên ép khách vào những điểm du lịch ngoài chương trình, các điểm bán hàng xuất xứ không rõ ràng, có dấu hiệu lừa gạt khách hàng... Hiện tượng này ảnh hưởng tới môi trường, hình ảnh du lịch Quảng Ninh nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung. Bởi vậy, việc chấn chỉnh, lập lại môi trường trong sạch cho hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn là rất cần thiết.
Đồng chí Vũ Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra hoạt động của Trung tâm Mua sắm thủ công mỹ nghệ Hạ Long, ngày 29-3-2017. Ảnh: Tạ Quân |
Đột kích điểm mua sắm phục vụ khách lữ hành Trung Quốc
Trước những thông tin về một số cửa hàng trên địa bàn TP Hạ Long chỉ tiếp đón khách Trung Quốc, từ chối khách Việt, cơ quan chức năng đã có cuộc khảo sát và kiểm tra đột xuất những cửa hàng trên cuối tháng 3 vừa qua. Điểm đến đầu tiên là Trung tâm Mua sắm thủ công mỹ nghệ (chợ Vườn Đào, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long). Cửa hàng này nằm nép bên hông chợ Bãi Cháy với khoảng sân rộng, cánh cửa sắt điều khiển từ xa thường xuyên đóng im ỉm “cảnh giới”. Theo đường tắt vào Trung tâm qua lối hông chợ, chúng tôi vào tới khoảng sân rộng, nhếch nhác, đài phun nước ngập rác. Khác hẳn với vẻ nhếch nhác đó, ở quầy kiểm soát ngay cửa ra vào, sổ ghi chép số đoàn, phiếu xác nhận đầu khách… để ngay ngắn, thẻ ra vào đánh số bó thành túm cẩn thận. Đại diện UBND TP Hạ Long cho biết, qua nhận định, đây chính là “tấm vé thông hành” để ra vào cửa và cũng là thứ để cửa hàng thống kê “đầu khách” thanh toán tiền cho hướng dẫn viên, cảnh giới với khách lạ. Nếu khách không đeo thẻ này lập tức sẽ được... mời ra ngoài!
Đoàn kiểm tra tiếp tục kiểm tra các điểm trên tuyến Bãi Cháy - Cái Dăm - Tuần Châu, như: Trung tâm Thương mại O.E.M (phường Bãi Cháy) của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hồng Quảng (địa chỉ ô A8 BTLK, phường Bãi Cháy), cửa hàng của Công ty TNHH Lục Phúc (khu Quy hoạch Đông Ga, phường Giếng Đáy); cửa hàng Tiến Đạt Dream (số 3, lô B, Khu Đô thị mới phần mở rộng đầu đường Tuần Châu, phường Hà Khẩu)... Qua quan sát, điều trùng hợp là các cửa hàng này đều có chung một quy trình: Du khách vào được phát thẻ kiểm soát, phía trong có nhiều khu nhỏ, phòng VIP mời chào, giới thiệu sản phẩm... Nhiều cửa hàng khách đông đúc, nhưng không thể tìm được một bóng khách người Việt.
Quả thật ở các cửa hàng được coi là “thế giới dành cho khách lữ hành Trung Quốc”, việc khó nhất là tìm kiếm một sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam. Toàn bộ hàng hoá ở đây đều được nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, như: Lụa, trang sức, ngọc trai... Nhiều nơi hàng hoá được “đẩy giá” cao mức khó tin như: 1 chiếc nệm cao su trị giá từ 64 đến 70 triệu đồng (ở Trung tâm Thương mại OEM). Thậm chí cửa hàng Tiến Đạt còn thuê nguyên “giàn” quản lý, nhân viên bán hàng người Trung Quốc. Khi được hỏi, quản lý cửa hàng cho biết: Người Trung Quốc làm kinh doanh tốt và chuyên nghiệp nên học cách làm của họ (?!).
Ngoài những điểm bất minh, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm. Ở Trung tâm Thương mại Hạ Long, việc niêm yết và thanh toán cho các sản phẩm đá quý mập mờ giữa tiền Việt và USD, Nhân dân tệ... Do vắng mặt chủ cửa hàng nên hầu như các hoạt động kinh doanh từ hôm trước vẫn còn lưu giữ nguyên. Trên mặt quầy thanh toán còn nguyên tập hoá đơn tiếng Trung, nhiều tờ hoá đơn viết dở, ghi số tiền thanh toán bằng ngoại tệ.
Theo báo cáo của TP Hạ Long, nhiều cửa hàng trong số này vi phạm và đã bị xử phạt nhiều lần, không ít trong số này đã bị dẹp bỏ, nhưng lại tiếp tục đăng ký kinh doanh dưới tên khác.
Hàng hoá bán tại Trung tâm phân phối đặc sản Việt Nam Dương Vũ thuộc phường Hải Hoà (Móng Cái) nguồn gốc không rõ ràng, không có hạn sử dụng. (ảnh chụp ngày 1-4-2017) Ảnh: Đại Dương |
Chiến dịch chấn chỉnh kinh doanh lữ hành
Trước một loạt các vi phạm đó, Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ yêu cầu Sở Du lịch thu hồi chứng nhận Đạt chuẩn phục vụ khách của Trung tâm mua sắm thủ công mỹ nghệ Hạ Long (Bãi Cháy, TP Hạ Long) và 8 điểm mua sắm phục vụ khách du lịch khác. Đồng chí cũng yêu cầu các cơ quan chức năng thu thập thêm các chứng cứ vi phạm, thủ đoạn lách luật trong niêm yết, thanh toán ngoại tệ, nguồn gốc hàng hoá, mức đóng góp thuế cho Nhà nước của các cửa hàng, nếu vi phạm nhất định xử lý nghiêm.
Đó chỉ là một trong những hoạt động mạnh tay, kiên quyết mở đầu cho các chiến dịch chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành khách Trung Quốc. Trong cuộc họp của UBND tỉnh ngày 22-3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã yêu cầu các địa phương (đặc biệt là Móng Cái, Hạ Long, Đông Triều) chủ trì, phối hợp cùng các ngành liên quan khẩn trương tổ chức ngay chiến dịch cao điểm làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch bằng các cuộc thanh tra, kiểm tra gắt gao, quyết liệt đối với hoạt động kinh doanh lữ hành, các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm tham quan, mua sắm... Nếu phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm với mức phạt cao nhất.
Thực hiện chỉ đạo này, các chiến dịch ra quân nhằm quét sạch vi phạm, kiên quyết trả lại môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh diễn ra rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngày 1-4, các lực lượng liên ngành đã ra quân kiểm tra và chấn chỉnh các đơn vị đón khách lữ hành và các điểm mua sắm phục vụ khách lữ hành Trung Quốc ở TP Móng Cái, như: Công ty CP Chính Hoàng Đại Phát, Công ty TNHH Dũng Yển, Khu chợ mậu dịch Gia Lợi (phường Trần Phú), điểm mua sắm trung tâm phân phối đặc sản Việt Nam Dương Vũ (phường Hải Hoà). Cùng ngày, lực lượng liên ngành gồm Sở Du lịch, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, TP Móng Cái đã kiểm tra và tước giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Công ty CP Chính Hoàng Đại Phát (TP Móng Cái) 12 tháng và phạt tiền 25 triệu đồng do không có hướng dẫn viên quản lý đoàn khách, thời điểm kiểm tra không có hướng dẫn viên du lịch người Việt Nam.
Trước đó, UBND TP Hạ Long cũng mạnh tay công bố dừng hoạt động đối với 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sai quy định ở các phường trên địa bàn, như: Giếng Đáy, Hà Khẩu, Tuần Châu, Việt Hưng, Bãi Cháy; phá dỡ điểm bán hàng phục vụ khách Trung Quốc xây dựng trái phép ở tổ 93, khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu...
Cũng trong các cuộc kiểm tra này, lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, sẽ kiên quyết, xử lý nghiêm các đơn vị lữ hành chào bán các “tour du lịch 0 đồng” thông qua các điểm kinh doanh trá hình của người Trung Quốc và người Việt Nam bán hàng cho khách du lịch Trung Quốc với giá thành cao gấp nhiều lần giá trị thật của mặt hàng, để thu lợi bất chính làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi khách du lịch nước ngoài, đặc biệt là khách Trung Quốc. Công an tỉnh và lực lượng chức năng kiểm tra người lao động nước ngoài, hàng hoá tại các điểm bán hàng đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện không đủ yêu cầu sẽ cho trục xuất, xử lý nghiêm.
Hy vọng với quyết tâm, cách làm này, các cơ quan chức năng sẽ sớm trả lại môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho du khách và hình ảnh du lịch của điểm đến.
Hà Phong
Để làm trong sạch môi trường kinh doanh du lịch lữ hành Đồng chí Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công Thương: “Đẩy mạnh quản lý thị trường và các giải pháp khác để xử lý các vi phạm” Đồng chí Nguyễn Văn Đoan, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh: “Quản lý về dòng tiền thông qua các giao dịch ngân hàng” Đồng chí Hồ Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long: “Tổ chức triển khai chiến dịch cao điểm làm sạch môi trường kinh doanh du lịch...” Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái: “Đình chỉ những cơ sở kinh doanh du lịch không đảm bảo yêu cầu” Thu Nguyên - Tạ Quân (thực hiện) |
Liên kết website
Ý kiến ()