Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 20:09 (GMT +7)
Quyết liệt đấu tranh với tội phạm, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng
Thứ 6, 25/08/2023 | 09:48:06 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Đề nghị quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và có chế tài xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm; có giải pháp ngăn chặn, quản lý chặt chẽ và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ để định hướng cho nhân dân hiểu, góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái. Đề nghị Bộ Công an sớm có giải pháp cụ thể để ngăn chặn, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Lý do hiện nay có rất nhiều hình thức lợi dụng công nghệ, mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt tiền bạc của dân, tình trạng thông tin trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, nhiều trang mạng có nội dung xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,... gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bộ Công an trả lời như sau:
Thời gian qua, tình trạng đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, nổi lên là: Tội phạm lừa đảo qua mạng, sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo; Tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng với số tiền lớn; Mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng để phục vụ các mục đích trái pháp luật; sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc sử dụng phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; Hoạt động “tín dụng đen”, vay tiền nhanh, vay ngang hàng trên các nền tảng di động và qua mạng; Hoạt động của số đối tượng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để thiết lập, điều hành các trang mạng, đường dây tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp.
Trước tình trạng trên, Bộ Công an đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh như sau:
Chủ động trong công tác tuyên truyền, phản bác, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT- TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 27/5/2023 về tăng cường đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Phối hợp với các nhà mạng viễn thông gửi tin nhắn đến các thuê bao di động cảnh báo tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác trước các phương thức hoạt động của tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, phát hiện những sơ hở bất cập để tham mưu đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành các quy định góp phần quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, đấu tranh với các mục tiêu thường xuyên đăng tải thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng; tổ chức tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, bộ ngành, ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong cung cấp thông tin, thực hiện các yêu cầu nghiệp vụ; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới; tăng cường phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn mọi sơ hở, điều kiện làm phát sinh tội phạm. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, điều chỉnh các quy định, quản lý chặt chẽ đối với những loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh tội phạm, như: tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim thẻ điện thoại; siết chặt quản lý việc mở thẻ, sử dụng thẻ ngân hàng, thanh toán qua biên giới; quản lý chặt chẽ các cuộc gọi quốc tế chiều về Việt Nam để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các cuộc gọi giả mạo... Đặc biệt, tăng cường ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, “làm sạch” tài khoản thuê bao di động (xóa bỏ tình trạng sim rác); phối hợp ngành Ngân hàng xác thực tài khoản góp phần loại bỏ các tài khoản “ảo”; triển khai các giải pháp ứng dụng chấm điểm để mở rộng cho vay tín chấp tiêu dùng góp phần phòng ngừa tội phạm.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mạng, đặc biệt là phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản có yếu tố nước ngoài. Chú trọng phối hợp chia sẻ thông tin, phối hợp xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ và chuyển giao đối tượng gây án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()