Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:48 (GMT +7)
Quyết liệt quản lý tài nguyên than
Thứ 5, 27/08/2020 | 11:14:03 [GMT +7] A A
Từ năm 2015 đến nay, công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo quyết liệt, xóa nhiều điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự liên quan đến than.
Công an TP Cẩm Phả phối hợp triệt phá 1 lò khai thác than trái phép tại thôn Khe Sím (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả), tháng 3/2017. Ảnh: Lương Giang |
Là địa phương có trữ lượng than lớn nhất cả nước, nguồn tài nguyên này luôn giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đời sống của người dân. Bên cạnh hoạt động khai thác, chế biến than hợp pháp, lợi nhuận từ mặt hàng này đã khiến nhiều đối tượng tìm mọi cách để mở các điểm khai thác than trái phép, vận chuyển than sang các địa bàn khác để tiêu thụ…
Thời điểm những năm 2008-2015, tình trạng khai thác, kinh doanh than trái phép diễn ra từ Đông Triều đến Mông Dương (TP Cẩm Phả), dù các lực lượng chức năng đã mở những chiến dịch truy quét lớn. Giai đoạn 2008-2011, các lực lượng chức năng đã đánh sập trên 3.200 cửa lò, điểm khai thác và thu gom trái phép; bắt giữ trên 4.000 đối tượng vi phạm. Riêng năm 2014, thời điểm mà lực lượng Công an tỉnh triển khai nhiều phương án đấu tranh chống than lậu mạnh mẽ, đã phát hiện, bắt giữ, triệt phá trên 215 lượt cửa lò, điểm tái khai thác, đào bới than trái phép.
CSGT Công an tỉnh kiểm tra các phương tiện, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn vận chuyển trái phép tài nguyên, khoáng sản. |
Ngoài nạn khai thác than “thổ phỉ”, vi phạm về than có xu hướng diễn biến mới là lợi dụng thực hiện dự án kinh tế - xã hội, các hoạt động hoàn nguyên, phục hồi môi trường để tận thu than; lợi dụng pháp nhân của một số doanh nghiệp, đơn vị có chức năng để hợp pháp hóa nguồn than trái phép...
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do địa bàn rộng, hiểm trở, chồng lấn ranh giới, xen kẹp khai trường với khu dân cư; cơ chế quản lý bằng hóa đơn còn nhiều sơ hở, bất cập. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và đơn vị ngành Than chưa làm hết trách nhiệm, có nơi, có lúc không duy trì sự tập trung và tính quyết liệt cần thiết. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu chưa được phát huy; công tác quy hoạch, cấp phép, hậu kiểm, quản lý đất đai liên quan đến than, khoáng sản còn sơ hở; công tác quản lý phụ phẩm ngoài than, đất đá lẫn than còn lúng túng; nhiều người dân ý thức chưa cao, còn tiếp tay cho các hành vi vi phạm…
Lực lượng chức năng phường Cẩm Phú (TP Cẩm Phả) và bảo vệ quân sự Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin phối hợp tuần tra. |
Ðể từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trái phép, ngày 12/1/2014, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh than trên địa bàn tỉnh”. Ngay sau khi đi vào cuộc sống, Nghị quyết đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và hệ thống chính trị. Trong đó nổi bật nhất là vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng được nâng cao, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng. Nếu địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nào để xảy ra yếu kém trong quản lý, vi phạm, tiêu cực liên quan đến than, khoáng sản trái phép, thì chủ tịch UBND, trưởng công an, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Để Nghị quyết 12 sớm đi vào cuộc sống, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng nghiêm túc phổ biến, quán triệt và cụ thể hóa nội dung Nghị quyết phù hợp với tình hình của địa phương, đơn vị. Đảng đoàn HĐND tỉnh đã đưa các chủ trương Nghị quyết vào các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Ban Cán sự Đảng, UBND tỉnh chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, quản lý chặt chẽ hoạt động này.
Cục Hải quan tỉnh kiểm tra mặt hàng than xuất khẩu. |
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành, địa phương có hoạt động sản xuất than coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thực hiện sâu sát, quyết liệt và thường xuyên; nhất là khi xem xét, trình phê duyệt các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo hạn chế tối đa việc chồng lấn vào các dự án đã có trong Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng rà soát các cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than; duy trì kiểm tra, kiểm soát các cảng bến có hoạt động liên quan đến tài nguyên than, các doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ than trên địa bàn, không để xảy ra lợi dụng tiêu thụ than không hợp pháp.
Trong 5 năm triển khai Nghị quyết (2014-2019), các ngành chức năng đã phát hiện, triệt phá gần 400 điểm lò khai thác than trái phép; xử lý trên 1.900 trường hợp vi phạm về khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than; nhiều cá nhân, tập thể đã bị khởi tố theo quy định. Qua đó, cơ bản chấm dứt hoạt động khai thác than hầm lò trái phép, không còn các điểm nóng phức tạp; hoạt động vận chuyển than trái phép trên các tuyến quốc lộ, các tuyến cấm được kiểm soát; hoạt động kinh doanh than không có nguồn gốc cơ bản được kiểm soát.
Ngành Than đã khẩn trương đóng cửa mỏ các khu vực đã dừng khai thác, trả lại đất cho địa phương quản lý. Trong quá trình khai thác, các đơn vị ngành Than tuân thủ đúng quy hoạch thăm dò, khai thác, chỉ triển khai các dự án đầu tư thăm dò, khai thác mỏ than khi đã có đủ thủ tục pháp lý; dành nguồn lực lớn để đầu tư các tuyến băng tải, vận tải đường sắt, cầu vượt đường bộ; lắp đặt hệ thống giám sát tự động để quản lý số lượng, chất lượng than từ nơi khai thác về kho bãi tập kết, bãi chế biến, kho, cảng xuất than; rà soát lại và có biện pháp giám sát đối với các hộ tiêu thụ than, nhằm đảm bảo cung cấp đúng đối tượng, mục đích…
Hoàng Nga
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()