Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:54 (GMT +7)
Quảng Ninh phấn đấu có 90% phương tiện được dán thẻ ETC trong năm 2022
Thứ 2, 04/04/2022 | 08:25:25 [GMT +7] A A
Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức không dừng (thu phí ETC), góp phần giảm ùn tắc giao thông, minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công… ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 155/CĐ-TTg, chỉ đạo triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô. Để có thông tin rõ hơn về lộ trình triển khai nội dung này ở Quảng Ninh, Phóng viên Trung tâm truyền thông tỉnh đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Vũ Văn Kinh, Phó Giám đốc Sở GT-VT tỉnh.
- Việc thực hiện thu phí ETC ở Quảng Ninh hiện nay ra sao thưa ông?
+ Quảng Ninh đang có 4 dự án giao thông BOT có trạm thu phí gồm: BOT cầu Bạch Đằng, BOT cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, BOT Biên Cương (dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Cẩm Phả) và BOT Đại Dương (dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long) và trong quý II năm nay sẽ có thêm BOT cao tốc Tiên Yên - Móng Cái.
Thực hiện Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức ETC, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ ETC tại các trạm thu phí dự án BOT và đã đưa vào khai thác, sử dụng trong năm 2020 với tổng số 34/62 làn đường được lắp đặt ETC.
Hình thức thu phí ETC tại các trạm thu phí giao thông đường bộ đã trở nên quen thuộc đối với người dân, thể hiện rõ tính chất ưu việt khi giảm thiểu thời gian chờ đợi, tiết kiệm nhân lực vận hành, hạn chế ùn tắc giao thông, kiểm soát mọi xe qua trạm bằng công nghệ, kỹ thuật, bảo đảm minh bạch tuyệt đối. Đặc biệt trong hơn 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, hình thức này đã phát huy lợi thế khi giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo so với việc thu phí thủ công khi nhân viên thu phí phải tiếp xúc với nhiều người. Tuy nhiên, theo thống kê tại các trạm, tỷ lệ người dân sử dụng ETC chưa cao, mới đạt khoảng 50% tổng phương tiện qua trạm.
- Vậy nguyên nhân gì khiến nhiều người dân chưa mặn mà với ETC?
+ Thu phí không dừng ETC là giải pháp giao thông thông minh với nhiều ưu điểm vượt trội so với cách thu phí thủ công và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng thành công. Tuy nhiên ở Việt Nam, dù Chính phủ đã yêu cầu, nhưng chưa có quy định pháp luật bắt buộc chủ phương tiện phải dán thẻ và sử dụng dịch vụ. Cùng với đó, do thói quen sử dụng tiền mặt của các chủ phương tiện vẫn còn phổ biến; việc sử dụng ETC lại phải đóng trước một số tiền trong tài khoản giao thông sau đó trừ dần; công tác tuyên truyền, phổ biến chưa cao, chưa đa dạng.
Bên cạnh đó, trong quá trình vận hành hệ thống ETC vẫn còn một số lỗi bất cập gây bức xúc cho chủ xe, như: Việc quản lý vận hành hệ thống liên thông giữa ngân hàng, nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC, chủ xe chưa đồng bộ. Chủ phương tiện làm hợp đồng với 2 nhà cung cấp dịch vụ hoặc chủ phương tiện sử dụng 2 thẻ của 2 nhà cung cấp dịch vụ dẫn đến không thể thực hiện thu phí ETC nếu hệ thống đọc vào tài khoản hết tiền.
Thêm nữa, hệ thống kỹ thuật không đọc được thẻ, đọc sai thẻ, hậu quả có một số phương tiện đủ điều kiện nhưng không đi qua được làn ETC; vẫn tồn tại phương tiện không dán thẻ định danh hoặc tài khoản ETC hết tiền nhưng vẫn đi vào làn ETC gây ùn tắc và mất ATGT. Điều này đã gây bất tiện vì vừa mất thời gian của chủ xe, vừa khiến giao thông thêm lộn xộn khi phải xếp hàng chờ đợi dẫn đến ùn tắc, khiến nhiều người dân chưa mặn mà, chủ động dán thẻ định danh cho xe và tham gia ETC.
- Để khuyến khích người dân sử dụng ETC theo chỉ đạo Chính phủ, Sở GT-VT đã có những giải pháp gì, thưa ông?
+ Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Sở GT-VT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn chỉ đạo số 1156/UBND-GT1 ngày 25/2/2022 yêu cầu các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến các hướng dẫn, quy định của Chính phủ, Bộ GTVT. Đặc biệt nêu rõ những tiện ích, tính năng ưu việt của hình thức thu phí ETC như: phương tiện chỉ cần dán 1 thẻ định danh có thể qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc; việc nạp tiền, trả tiền được đa dạng hóa với nhiều hình thức như áp dụng ví điện tử, kết nối liên ngân hàng, giúp chủ phương tiện chủ động trong việc nộp tiền, quản lý tài khoản giao thông.
Song song với đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội gương mẫu, đi đầu, nghiêm túc thực hiện gắn thẻ định danh đối với các phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý để sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức trong các cơ quan dán thẻ và tham gia ETC; hạn chế thanh toán chi phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức thủ công, dừng tại các trạm thu phí đã vận hành hệ thống ETC; vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người dân không sử dụng hình thức thu phí thủ công theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc dán thẻ và sử dụng dịch vụ, Sở đã yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư BOT thực hiện rà soát công tác vận hành và đề xuất phương án lắp đặt hệ thống ETC tại các làn thu phí còn lại. Phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh việc dán thẻ đầu cuối cho các phương tiện. Quảng Ninh quyết tâm phấn đấu năm 2022 sẽ có 90% phương tiện trong tỉnh được dán thẻ định danh, đủ điều kiện tham gia ETC.
Hiện các văn bản pháp lý chưa có quy định bắt buộc phương tiện phải dán thẻ định danh và tham gia ETC, nhưng biển báo hiệu đường bộ đã ghi rõ các làn phương tiện được phép chạy vào, nếu xe chưa dán thẻ mà cố tình chạy vào làn ETC sẽ bị xử phạt. Bên cạnh đó, Bộ GT-VT đang thực hiện thí điểm dừng thu phí thủ công dự kiến từ ngày 5/5/2022, tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để chuyển sang áp dụng thí điểm hình thức thu phí ETC. Do đó, người dân nên chủ động tham gia, thực hiện dán thẻ định danh cho phương tiện, sử dụng hình thức giao thông thông minh để tiết kiệm thời gian, chi phí cho mỗi hành trình.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()