Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 00:22 (GMT +7)
Sớm hiện thực hoá Quy hoạch tỉnh, tạo không gian phát triển mới
Thứ 5, 11/01/2024 | 14:45:42 [GMT +7] A A
Sau tròn 1 thập niên kiên trì thực hiện 7 quy hoạch chiến lược, Quảng Ninh đã sớm nắm bắt, phát huy được những cơ hội, vươn lên trở thành một trong những cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ tiếp tục là chỉ dẫn quan trọng để Quảng Ninh định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức trong quá trình phát triển ở giai đoạn mới.
Những định hướng chiến lược
Ngày 11/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tháng 11/2023 phê duyệt Kế hoạch thực hiện quy hoạch. Như vậy, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong khu vực Đồng bằng sông Hồng được Chính phủ phê duyệt quy hoạch và là tỉnh đầu tiên trong cả nước được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Theo đó, phạm vi, ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 6.206,9km2 gồm 13 đơn vị hành chính, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông và Nam giáp vịnh Bắc Bộ, phía Tây giáp các địa phương: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang và Lạng Sơn. Phần diện tích biển có ranh giới ngoài cách đường mép nước biển 6 hải lý.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 19.000-20.000 USD.
Định hướng không gian phát triển tiếp tục được kế thừa từ các quy hoạch trước đây theo hướng “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành thành phố trực thuộc Trung ương và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng. Đồng thời, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển…
Đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập TX Tiên Yên.
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh được lồng ghép vào quy hoạch quốc gia, xây dựng phù hợp với định hướng phát triển đất nước, bảo đảm tính khoa học và đáp ứng yêu cầu được quy định tại Luật Quy hoạch. Đồng thời, kế thừa và phát huy những chiến lược trong 7 quy hoạch chiến lược trước đó, bảo đảm tính liền mạch, xuyên suốt, được cập nhật, bổ sung những thông tin, dữ liệu, những cơ hội mới. Đây sẽ là căn cứ, chỉ dẫn quan trọng để tỉnh định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức, xây dựng lộ trình, tiến độ và nguồn lực để hiện thực hóa các ý tưởng phát triển đúng hướng, đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt…
Khởi động ngay các nhiệm vụ trọng tâm
Ngay sau khi quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố, trên cơ sở các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào thực hiện rà soát các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, triển khai quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện của các địa phương và quy hoạch chung xây dựng các KKT, thực hiện xây dựng lộ trình, chính sách, giải pháp để tổ chức triển khai các chương trình, dự án, nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.
Đến hết năm 2023, tỉnh đã có 6 đô thị là thành phố và thị xã hoàn thành quy hoạch chung đô thị gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái, Đông Triều và Quảng Yên; 6/7 huyện hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện và được UBND tỉnh phê duyệt gồm: Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Cô Tô và Vân Đồn. Còn lại huyện Hải Hà, do nằm trong quy hoạch KKT cửa khẩu Móng Cái, vì thế hiện đang lập đồ án quy hoạch, dự kiến hoàn thành trong quý I/2024.
Tại quy hoạch chung xây dựng các KKT, hiện đã có 3/5 KKT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng (KKT ven biển Vân Đồn, KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn). Đối với KKT ven biển Quảng Yên, hiện Bộ Xây dựng đã thẩm định, Ban Quản lý KKT tỉnh đang hoàn thiện nhiệm vụ quy hoạch; KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh đang được triển khai lập, dự kiến hoàn thành trong năm 2024.
Riêng các quy hoạch phân khu, tại Quảng Ninh sẽ có 91 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 (đô thị và khu chức năng), hiện các đơn vị liên quan đã thực hiện tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục, kế hoạch lập các đồ án quy hoạch đô thị - nông thôn, quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh.
Song song với đó, Quảng Ninh đang đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển vùng. Điển hình như Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới…
Quan điểm của tỉnh là tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào 4 trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường - an ninh) và 3 nguồn lực (thiên nhiên - con người - văn hóa).
Sẽ ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau); hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại 3 vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.
Để đảm bảo nguồn lực thực hiện, tỉnh đã tính toán, cơ cấu nguồn vốn theo 3 khu vực cụ thể trong 2 giai đoạn từ 2021-2025 và 2026-2030 với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến 2,8 triệu tỷ đồng. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các KCN, CCN; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ…
Trên tinh thần kế thừa, kiên trì, tuân thủ thực hiện các quy hoạch chiến lược như một chỉ dẫn quan trọng, Quảng Ninh sẽ định vị những giá trị, cơ hội, cùng thách thức để triển khai các mục tiêu phát triển mới, rút ngắn lộ trình thực hiện các mục tiêu quy hoạch, là tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt, cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()